Vụ đấu thầu mỏ cát từ 7,2 tỷ đồng lên 2.800 tỷ đồng: Bất ngờ tiềm lực DN trúng thầu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Một doanh nghiệp 3 năm tuổi, vốn điều lệ vỏn vẹn 27 tỷ đồng đã "chịu chơi" bỏ giá hơn 2.800 tỷ đồng để giành quyền khai thác mỏ cát tại An Giang.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được đấu giá từ 7,2 tỷ lên 2.811 tỷ đồng, cao gấp 390 lần giá khởi điểm.

Cụ thể, cuối tháng 3/2021, trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc sở Tư pháp An Giang đã tổ chức đấu giá công khai khoáng sản cát sông đối với khu mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới) có trữ lượng gần 2,4 triệu m3 và khu mỏ cát trên sông Hậu thuộc 2 xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) và Phú Hiệp (huyện Phú Tân) với trữ lượng gần 1,45 triệu m3 cát.

Hai mỏ cát này đã ngưng khai thác nhiều năm qua, nay được đưa ra đấu giá để khai thác lại. Phiên đấu giá có sự tham gia của 19 doanh nghiệp.

Khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang.

Khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đối với mỏ cát trên sông Hậu, giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng, đơn vị trúng quyền khai thác là công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (An Giang) trúng đấu giá hơn 272,8 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm ban đầu 62 lần, tương ứng 188.000 đồng/m3 cát.

Còn mỏ cát ở xã Bình Phước Xuân giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng nhưng công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.HOME trúng đấu giá gần 2.811 tỷ đồng, cao gấp 390 lần so với giá khởi điểm, tương ứng hơn 1,1 triệu đồng/m3 cát. Khi kết quả này được công bố, nhiều người bị "sốc", kể cả giới kinh doanh cát.

Theo tìm hiểu của PV, công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.HOME là doanh nghiệp được thành lập vào ngày 23/1/2018. Số vốn điều lệ ban đầu của T-S.HOME là 9 tỷ, do hai cá nhân góp vốn thành lập là ông Hồ Quang Thái Dũng (SN 1975) với tỷ lệ 55,5% và bà Huỳnh Thị Phượng (SN 1982) với 44,5% còn lại.

Đáng chú ý, T-S.HOME đăng ký lĩnh vực kinh doanh chính là giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đăng ký kinh doanh thêm 20 ngành khác như vệ sinh nhà cửa và các công trình khác, xây dựng nhà các loại; dịch vụ đóng gói; giáo dục nghề nghiệp,…

T-S.HOME đăng ký lĩnh vực kinh doanh chính là giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú.

T-S.HOME đăng ký lĩnh vực kinh doanh chính là giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú.

Ban đầu, doanh nghiệp này có địa chỉ tại số 4, đường 17, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM. Đến tháng 7/2020, doanh nghiệp này chuyển trụ sở về số 14 đường 11, khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM.

Lúc này, vốn điều lệ tăng lên 27 tỷ đồng, đồng thời ông Hồ Thái Quang Dũng rót thêm 18 tỷ đồng vào doanh nghiệp và nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 85,1%. Bà Phượng bấy giờ chỉ nắm hơn 14,8% vốn còn lại. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc xuyên suốt giai đoạn này vẫn là ông Hồ Thái Quang Dũng.

Về tình hình kinh doanh, khoảng thời gian làm giặt là của T-S.HOME khá ảm đạm, doanh nghiệp không phát sinh bất kì doanh thu và lợi nhuận nào trong 2 năm đầu thành lập (2018-2019).

Dù đã tăng vốn, doanh thu và lợi nhuận không có, nếu đem so sánh với giá T-S.Home trúng thầu quyền khai thác cát tại tỉnh An Giang thì thực sự gây bất ngờ.

Hiện công an tỉnh An Giang đang vào cuộc để làm rõ vụ việc, không loại trừ việc doanh nghiệp đưa ra mức giá cao trúng thầu khai thác mỏ cát nhằm mục đích khác. 

Mỏ cát trên sông Tiền có trữ lượng khoảng 3 triệu m3 cát, có thượng nguồn nằm tại hạ nguồn bến đò Kênh Ngang, độ sâu dao động từ -3,5m đến -16m. Mỏ cát ở sông Hậu và sông Tiền của An Giang được đánh giá là lớn nhất miền Tây, không chỉ phục vụ cho các công trình trong tỉnh mà còn được bán cho nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Công ty T-S.Home trúng đấu giá mỏ cát thì số tiền hơn 2.811 tỷ đồng bỏ ra chỉ là để giành được quyền khai thác trữ lượng cát 2,4 triệu m3 đang nằm dưới lòng sông.

Theo quy định, với mỗi mét khối cát được múc lên khỏi lòng sông, công ty này còn phải nộp thuế tài nguyên theo quy định của Luật thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Luật khoáng sản.

Cụ thể, theo Thông tư 105/2010/TT-BTC, thuế tài nguyên đối với khoáng sản cát là 10% tính trên giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành. Trong khi đó, mức phí bảo vệ môi trường theo Nghị định 164/2016/NĐ-CP đối với cát vàng là 3.000 đồng/m3, cát trắng là 5.000 đồng/m3 và các loại cát khác là 2.000 đồng/m3.

Như vậy, với kết quả trúng đấu giá mỏ cát sông Tiền, nếu công ty T-S.Home tổ chức khai thác theo quy định thì với mỗi mét khối cát đưa lên khỏi lòng sông, công ty này còn phải nộp thuế và phí tổng cộng khoảng 9.000 đồng. Với tổng trữ lượng trúng đấu giá làm tròn 2,4 triệu m3, tổng số thuế và phí phải nộp khoảng 21,6 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỏ cát sông Tiền được bán với giá gần 2.812 tỷ đồng: Giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng

Với giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, vượt qua hơn 100 vòng đấu giá, mỏ cát trên sông Tiền được bán với giá gần 2.812 tỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thu Huyền ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN