Vụ công ty địa ốc Alibaba: Áp dụng mô hình của siêu lừa thế kỷ

Phương thức hoạt động của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) na ná mô hình của Ponzi (siêu lừa 15 triệu USD từ năm 1920) huy động vốn của người trước trả lãi cho người sau.

Gần ba năm qua, báo chí tốn quá nhiều giấy mực phản ánh tình trạng Công ty Alibaba có trụ sở chính đặt trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh, TPHCM quảng cáo, rao bán và thu hàng ngàn tỷ đồng từ hàng chục dự án “bánh vẽ” ở TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu và Bình Thuận. Truyền thông cảnh báo, thậm chí chỉ đích danh, khẳng định Công ty Alibaba lừa đảo, bán “dự án ma”, tuy nhiên, bất ngờ ở chỗ công ty này không những không rơi vào khủng hoảng, nguy cơ đứng trên bờ vực phá sản, mất thương hiệu, khách hàng sẽ tẩy chay như những công ty từng làm ăn gian dối thường gặp mà ngày càng thu hút khách hàng nhiều hơn, mở rộng thị trường “dự án ma” liên tỉnh, vốn điều lệ mỗi năm tăng trưởng như… “Thánh Gióng”.

Cụ thể, năm 2016 ông Nguyễn Thái Luyện thành lập công ty với 4 nhân sự, vốn điều lệ 100 triệu đồng, hình thức hoạt động chuyên môi giới nền đất nhỏ lẻ vùng ven, đến cuối năm 2017, vốn điều lệ đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM là 1.600 tỷ đồng. Đến thời điểm này, vốn điều lệ tăng tới con số không tưởng là 5.600 tỷ đồng và 2.600 nhân viên, 600 ha với gần 50 dự án đất nền được rao bán,... Một con số khiến các đại gia địa ốc có “máu mặt” ở đất Sài thành cũng phải choáng váng, ngả mũ bái phục!

Thông thường các doanh nghiệp bất động sản cần sự ủng hộ, giám sát của chính quyền để dự án hoàn thiện nhanh, đúng tiến độ xây dựng bàn giao cho khách hàng, họ hợp tác với truyền thông để xây dựng thương hiệu, gửi gắm hình ảnh tốt đẹp, chất lượng dự án… lan tỏa ra thị trường. Nhưng Công ty Alibaba thì làm ngược lại, họ tố cáo, lập hồ sơ dọa kiện báo chí, chính quyền địa phương ở một số nơi… Điều lạ kỳ là Công ty Alibaba vẫn vượt qua “sóng gió”, thị phi để được xếp vào hàng ngũ “những công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam”?

Khách hàng, nhân viên cũng là nạn nhân?

Theo điều tra của phóng viên, việc Công ty Alibaba với số vốn điều lệ và nhân sự “tí hon” chỉ trong thời gian khoảng 3 năm hoạt động đã trở thành “Thánh Gióng” không có gì là bất ngờ, bởi anh em ông chủ Alibaba đã đánh trúng vào lòng tham của khách hàng! H một nhân viên từng làm ở Công ty Alibaba tiết lộ, để có dự án rao bán, Công ty Alibaba phối hợp, mua lại các khu đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng rồi “vẽ” nên các dự án, khu đô thị đẹp như mơ rao bán cho khách hàng. 

Khu dự án dân cư Alibaba Tân Thành tại xã Châu Pha đã bị cưỡng chế phá dỡ hạ tầng xây dựng trái phép

Khu dự án dân cư Alibaba Tân Thành tại xã Châu Pha đã bị cưỡng chế phá dỡ hạ tầng xây dựng trái phép

Bí quyết thành công trong việc bán sản phẩm ở chỗ là mỗi m2 đất nền các dự án của Công ty Alibaba rẻ hơn rất nhiều so với giá các dự án của nhiều chủ đầu tư khác nằm gần đó. Cụ thể, tại các dự án ở Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Đồng Nai hay huyện Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị này bán từ 2 đến 5 triệu đồng/m2, bằng 30-60% các dự án khác. Ngoài ra, khi khách hàng xuống tiền, công ty này cam kết lợi nhuận mỗi quý có thể lên tới 28%. 

“Lóa” mắt trước lợi nhuận cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng, khách hàng không chút đắn đo mà nhanh chóng xuống tiền, họ cũng không cần kiểm tra nguồn gốc đất đó là gì, dự án có giấy phép xây dựng hay chưa, đã xây dựng và nghiệm thu tổng thể thế nào. “Đau đớn hơn phần lớn hợp đồng hai bên thực hiện ký kết dưới dạng hợp tác dự án hình thành trong tương lai”, H nói thêm.

Còn theo T một nhân viên Công ty Alibaba phân tích: “Ví dụ khi dự án đợt một chào bán với giá 3 triệu đồng/m2, cam kết lợi nhuận 25% thì đợt 2 công ty chào bán 6 triệu đồng/m2, số tiền lợi 3 triệu đồng/m2 dùng để trả cho khách hàng mua trước. Khách hàng mua những đợt đầu mới có khả năng lấy được tiền lãi. Khi giá được đẩy lên tới đỉnh khiến việc bán hàng chững lại, những người sở hữu nền đất ở thời điểm này rất khó nhận lợi nhuận từ công ty vì đơn giản giá cao, khách hàng lắc đầu. Việc vắng khách mới sở hữu đồng nghĩa với việc khách hàng đang sở hữu nền đất không nhận được lợi nhuận”. 

Khách hàng viết đơn tố cáo Công ty Alibaba 

Khách hàng viết đơn tố cáo Công ty Alibaba 

Với mô hình nói trên, có không ít khách hàng nhận được “lãi khủng” từ Công ty Alibaba, nhưng những người sở hữu sau phải “ngậm đắng nuốt cay” từ việc không có một đồng lãi suất đến việc phát hiện mình đang mua phải “dự án ma”. Ông Nguyễn Thái Luyện từng nói: “Chủ sở hữu lô đất dự án là cá nhân và những cá nhân này ủy quyền cho một công ty đứng ra làm chủ đầu tư. Địa ốc Alibaba chỉ là đơn vị hợp tác phân phối các dự án”. Có thể nói, đây là cách lách luật có sự tính toán trong việc “lừa đảo” của công ty này. 

Trước khi cơ quan chức năng khám xét, khởi tố bắt tạm giam ông Nguyễn Thái Luyện, khách hàng đầu tư nền đất các “dự án ma” của Alibaba luôn tự hào mình là nhà đầu tư “khôn ngoan”, còn Công ty Alibaba cho rằng, mô hình vừa “giúp khách hàng giàu lên từ bất động sản” thật đơn giản mà huy động được rất nhiều tiền từ họ. Khi hai ông chủ Công ty Alibaba bị bắt, dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi nhân viên công ty này vẫn tung hô ông Luyện giỏi như “thánh”. Ngoài ra, trước khi dự án rao bán, có không ít nhân viên được ưu đãi với giá thấp hơn khi tung ra thị trường, nhiều nhân viên đóng tiền mua lại rồi tự bản thân tìm khách hàng rao bán lại. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, họ cũng trở thành nạn nhân của lãnh đạo Công ty Alibaba nếu chưa kịp bán sang tay cho người tiếp theo.

Địa ốc Alibaba dụ dỗ hàng nghìn khách hàng bằng chiêu trò gì?

Nghe tin lãnh đạo công ty Địa ốc Alibaba bị khởi tố và bắt tạm giam, một số khách hàng kịp “tháo chạy” trước đó...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Du - Trọng Thịnh ([Tên nguồn])
Xét xử Giám đốc Công ty địa ốc Alibaba Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN