Vietnam Airlines, Bamboo Airways lỗ nặng, Vietjet lãi nghìn tỷ đồng
Trong khi các đối thủ cùng ngành như Vietnam Airlines và Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ lớn trong quý II/2020 bởi tác động của dịch Covid-19, hãng bay Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn làm ăn có lãi nghìn tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý II/2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) cho thấy doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 6.006 tỷ đồng, chỉ bằng 24,6% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19, nhưng giá vốn bán hàng của HVN ghi nhận trong quý vừa qua vẫn ở mức cao là 9.869 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của hãng âm 3.873,9 tỷ đồng.
Sau khi cộng thêm các khoản chi phí khác, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HVN âm 4.362 tỷ đồng. Kết quả, HVN ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là âm 4.030,6 tỷ đồng trong quý II/2020.
Giải trình về sự sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2020, đại diện của HVN cho biết đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu trong đó có Tổng công ty hàng không Việt Nam. Tổng doanh thu và thu nhập khác quý II/2020 của công ty mẹ giảm 67,25% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu là doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 72,49% so với cùng kỳ tương đương với mức giảm 12.695 tỷ đồng (doanh thu hành khách nội địa giảm 57,7%, quốc tế giảm mạnh 96,6%, doanh thu thuê chuyến giảm 89,3%). Tổng chi phí quý II/2020 của công ty mẹ giảm 47,97% so với cùng kỳ (giảm hơn 8.811 tỷ đồng). Mức độ giảm doanh thu cao hơn mức độ giảm chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm mạnh.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2020 giảm mạnh so với cùng kỳ ngoài nguyên nhân liên quan đến giảm lợi nhuận công ty mẹ, còn do lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vacs, Skypec, Viags,...
Còn báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) công ty mẹ của hãng bay Bamboo Airways cũng ghi nhận khoản lỗ 838 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết ghi nhận khoản lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế. Và đây cũng là số lỗ ròng sau 6 tháng đầu năm nặng nhất trong lịch sử kinh doanh của tập đoàn.
Mặc dù cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ lớn trong quý II/2020 bởi tác động của dịch Covid-19 nhưng hãng bay Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn làm ăn có lãi nghìn tỷ đồng.
Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Công ty CP Hàng không Vietjet (VJC) cho thấy hãng bay này có lãi lớn nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính; chuyển giao quyền sở hữu và thương mại tàu bay (bán và thuê lại – sales and leaseback).
Vietjet cho biết doanh thu hợp nhất quý II của hãng cũng giảm 61% so với cùng kỳ bởi những tác động của dịch Covid-19, nhưng vẫn đạt gần 4.970 tỷ đồng. Ngoài số thu từ vận tải hàng không và các mảng liên quan, hãng còn thu về 3.169 tỷ đồng từ nghiệp vụ bán và thuê lại tàu bay.
Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp hợp nhất quý II của hãng chỉ báo số âm 109 tỷ, trong khi lỗ gộp tại công ty mẹ lên tới 1.926 tỷ đồng. Kết quả, Vietjet lãi hợp nhất 1.063 tỷ đồng sau thuế quý II, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2019 bất chấp tác động của dịch bệnh nặng hơn quý I.
Lũy kế 6 tháng, hãng bay này đạt 12.200 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ nhưng VJC vẫn ghi nhận lãi ròng 74 tỷ đồng sau nửa năm. Trong khi đó, sau 6 tháng đầu năm 2020, HVN ghi nhận 24.943 tỷ đồng doanh thu và lỗ ròng 6.642,1 tỷ đồng.
Lý giải nguồn tiền tăng đột biến ở hoạt động tài chính, Vietjet cho biết đây là tiền đến từ việc chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính trong quý nhằm gia tăng dòng tiền hỗ trợ hoạt động kinh doanh chính chịu ảnh hưởng bởi dịch. Nhờ vậy mà doanh thu tài chính của công ty tăng mạnh từ 142,1 tỷ đồng của quý II/2019 lên thành 1.174 tỷ đồng (quý II/2020) và 1.723 tỷ đồng (6 tháng), số tiền này giúp hãng tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Vietjet lãi ngàn tỷ đồng nhờ các hoạt động tài chính
Đến ngày 30/6, hãng hàng không giá rẻ của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có tổng tài sản là 48.392,5 tỷ đồng, giảm nhẹ với con số 48.858,7 tỷ đồng của đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt của doanh nghiệp giảm từ 3.832 tỷ đồng từ đầu năm xuống còn 1.774 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2020. Dù giảm hơn 50%, nhưng lượng tiền mặt đến ngày 30/6 của VJC vẫn nhỉnh hơn con số 1.568,8 tỷ đồng của HVN. Trong khi đó lượng tiền mặt của Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết tính đến ngày 30/6 cũng chỉ là 458,9 tỷ đồng.
Về phần nợ của VJC đến hết quý II/2020 là 33.399,5 tỷ đồng, giảm hơn 550 tỷ đồng so với con số đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp là 17.542 tỷ đồng, giảm so với đầu năm, nợ dài hạn tăng từ 14.786 tỷ đồng của đầu năm lên thành 15.857 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng tăng từ 14.902,8 tỷ đồng lên 14.992,9 tỷ đồng.
Trong khi, nợ của HVN đến hết quý II/2020 là 55.262,6 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 30.456 tỷ đồng, nợ dài hạn là 24.806,6 tỷ đồng. Nợ phải trả của Tập đoàn FLC sau 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận là 23.907 tỷ đồng, nợ ngắn hạn chiếm 18.947 tỷ đồng còn lại nợ dài hạn là 4.959,8 tỷ đồng.
Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến lợi nhuận nửa đầu năm 2020 của Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn...
Nguồn: [Link nguồn]