Vì sao hàng loạt “ông lớn” ngành hàng bán lẻ công bố đóng cửa?
Sau adayroi.vn, lotte.vn vừa công bố đóng cửa. Đâu là lý do khiến hai tên tuổi lớn đưa ra công bố trên chỉ trong vòng một tháng?
Sự sụp đổ của hàng loạt thương hiệu
Trong tháng 12/2019, Tập đoàn Vingroup công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp – công nghệ. Trong đó, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.
Việc một trang thương mại điện tử nào đó bất ngờ dừng cuộc chơi đã không còn là câu chuyện hiếm
Mới đây trang thương mại điện tử của tập đoàn Lotte tại Việt Nam (Lotte.vn) tuyên bố sẽ ngừng hoạt động từ ngày 20/01/2020.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2019, sàn thương mại điện tử thời trang Robin Online, tiền thân là Zalora, cũng bất ngờ tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động bán hàng. Theo số liệu của iPrice, trong quý IV/2018, website Robins.vn có lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam với hơn 965.000 lượt mỗi tháng.
Trước Robins.vn vài tháng, trang TMĐT VuiVui.com của Thế giới Di Động cũng nói lời chia tay sau 2 năm hoạt động.
Vuivui.com là website thương mại điện tử theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng), được Thế giới Di động thành lập từ năm 2017.
Hàng loạt trang web như Beyeu.com, Lingo.vn cũng đã dừng hoạt động... Trước khi dừng hoạt động, Beyeu.com - một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư - còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người còn lại".
Lời nhắn nhủ của Beyeu.com phản ánh đúng thực trạng của thị trường TMĐT Việt Nam - khi tài chính cạn kiệt, các doanh nghiệp thiếu tiềm lực đành dừng cuộc chơi.
Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị - Nguyên CEO Kiềm Nghĩa
Là quyết định dễ hiểu
Nói về thực tế này, Ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị - Nguyên CEO Kiềm Nghĩa cho rằng, nếu ai đã từng làm quản lý doanh nghiệp thì sẽ hiểu điều đó. Cuối năm là giai đoạn các doanh nghiệp hoạch định kinh doanh cho năm sau. CEO và HĐQT sẽ phải đánh giá lại tình trạng kinh doanh hiện tại cũng như là triển vọng năm sau của từng danh mục kinh doanh, và sẽ đưa ra quyết định liệu có tiếp tục rót tiền vào bù cho những danh mục thua lỗ kéo dài hay không.
“Những danh mục nào tuyên bố chấm dứt kinh doanh ở thời điểm này chính là những danh mục bị thua lỗ kéo dài, trong khi ban lãnh đạo doanh nghiệp chưa nhìn thấy tia sáng nào ở “cuối đường hầm” cho năm sau, nên họ không đưa vào trong kế hoạch kinh doanh năm sau của doanh nghiệp” – ông Hòa cho biết.
Cũng theo quan điểm của ông Hòa, ông đánh giá cao những ai đã đưa ra quyết định ngưng kinh doanh những danh mục thua lỗ, bởi theo ông “Họ là người lãnh đạo dũng cảm và có trách nhiệm”.
“Quan điểm của chúng tôi là nếu thấy không hiệu quả, cũng không thấy có triển vọng gì trong vài năm tới thì nên dừng ngay để giảm tổn thất tài chính và đỡ mất thời gian. Coi nguồn lực còn được gì thì chuyển sang hướng khác với cơ hội tốt hơn. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều là vừa để mất vốn, trong khi nợ chồng chất thì làm sao có thể làm lại” – ông Hòa phân tích.
Sau adayroi.vn, lotte.vn sẽ là?
Nhận định về “số phận” ngành bán lẻ tại Việt Nam, ông Hòa cho rằng sẽ còn một số mạng thương mại điện tử (và cả chuỗi bán lẻ trong nước) sẽ đóng cửa.
Thương mại điện tử là một cuộc chơi ngốn tiền “tấn”, nên chỉ có những doanh nghiệp lớn, đã có các danh mục khác sinh lợi ổn định, và có thể trích lãi từ chỗ khác đắp vào mới có thể trụ được lâu.
Vấn đề thứ hai đối với bán lẻ nói chung, thương mại điện tử nói riêng là khả năng tiếp cận nguồn cung. Muốn phân phối thương mại, bán lẻ phát triển thì phải gần nguồn cung, và nguồn cung phải cạnh tranh về mặt chất lượng, số lượng lẫn giá thành.
"Phân phối và sản xuất như răng với môi, nó đi chung với nhau, yếu anh này thì anh kia yếu theo” – chuyên gia Đỗ Hòa nêu quan điểm. . |
“Phân phối và sản xuất như răng với môi, nó đi chung với nhau, yếu anh này thì anh kia yếu theo” – chuyên gia Đỗ Hòa nêu quan điểm.
Theo ông Hòa, có lẽ do thấy mất kiểm soát ngành phân phối bán lẻ là một thua thiệt cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, nên nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển phân phối bán lẻ.
Những kênh, mạng bán lẻ đang kinh doanh trong các ngành phụ thuộc nguồn cung ngoại sẽ bị giảm dần doanh thu trong quá trình hội nhập do yếu tố cạnh tranh. Và cuối cùng sẽ phải nhường sân này lại cho các mạng, chuỗi bán lẻ ngoại.
“Muốn tồn tại được thì phải có năng lực cạnh tranh. Muốn có năng lực cạnh tranh thì phải có chiến lược lâu dài. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lớn nằm ở chiến lược phát triển, tức là phải có chiến lược danh mục tốt, và có hệ thống quản lý hữu hiệu” – chuyên gia Đỗ Hòa nhấn mạnh.
Chỉ 4-5 năm sau cuộc đua lập sàn kinh doanh online, các doanh nghiệp lục tục nối đuôi nhau tháo chạy khỏi mảng kinh doanh này.
Nguồn: [Link nguồn]