Về tay chủ mới, Ocean Group xin xóa hơn 2.500 tỷ đồng nợ khó đòi
Sau khi về tay chủ mới, Ocean Group tiếp tục có động thái quyết liệt trong xử lý nợ xấu khi xin ý kiến cổ đông về việc xóa khoản nợ khó đòi 2.553 tỷ đồng phát sinh từ năm 2014 ra khỏi báo cáo tài chính doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông cũng như thành viên ban lãnh đạo. Theo đó, IDS Equity Holdings tuyên bố kiểm soát 51% vốn Ocean Group.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 cuối tháng 4 vừa qua, hầu hết thành viên HĐQT, Ban kiểm soát đương nhiệm của Ocean Group đã từ nhiệm với lý do cá nhân.
Thay vào đó, các cá nhân mới được bổ nhiệm thay thế đều là người của IDS Equity Holdings (công ty quản lý tài sản rủi ro chuyên đầu tư vào những doanh nghiệp bị định giá thấp tại Việt Nam). Cụ thể, Lê Thị Việt Nga, đại diện của IDS Equity Holdings - được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ocean Group, còn bà Phạm Thị Hồng Nhung được bầu làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Sau khi giành quyền kiểm soát OGC, nhóm cổ đông mới IDS Equity Holdings tiếp tục có động thái quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu của doanh nghiệp.
Mới đây Hội đồng quản trị của OGC công bố tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông công ty liên quan đến phương án xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty.
Các lãnh đạo mới của OGC quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu của doanh nghiệp
Theo đó, OGC muốn xóa hơn 2.500 tỷ đồng nợ xấu bằng việc đưa ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc 31/12/2021 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng 100% giá trị là 2.553,2 tỷ đồng. Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn 1.154,3 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng 81,7 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác 868,7 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn 168,1 tỷ đồng; và trả trước cho người bán dài hạn 276,8 tỷ đồng.
Nhận định và đánh giá về khả năng thu hồi nợ, HĐQT OGC cho rằng các khoản nợ phải thu khó đòi của Công ty và các công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay, các khoản nợ này đều liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi. Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi các khoản nợ phải thu khó đòi nhưng không hiệu quả.
Việc điều chỉnh theo dõi ngoại bảng sẽ ghi nhận giảm các khoản phải thu trên đây và ghi nhận giảm các khoản “dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi” và “dự phòng phải thu dài hạn khó đòi” tương ứng trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2021. Các khoản phải thu đã lập dự phòng 100% nên các chỉ tiêu về tổng tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của công ty sẽ không bị ảnh hưởng. Các khoản công nợ được theo dõi ở tài khoản ngoại bảng trên báo cáo tài chính không ảnh hưởng đến việc thực hiện thu hồi công nợ và quyền lợi của Công ty đối với các khoản công nợ này.
Mới đây, HOSE cho biết cổ phiếu OGC được chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 9/6/2022 do công ty này chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định.
Sau thông báo của HOSE, OGC cũng đã phát đi thông tin chính thức về việc phát hành BCTC kiểm toán năm 2021, thời gian sẽ không chậm hơn ngày 15/6/2022. OGC cũng nhấn mạnh đang làm việc với đơn vị kiểm toán, đồng thời lấy ý kiến ĐHCĐ bằng văn bản theo hình thức biểu quyết điện tử về việc xử lý một số khoản nợ phải thu khó đòi làm cơ sở để công ty lập và phát hành báo cáo kiểm toán 2021.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, OGC đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất 937 tỷ đồng, tăng 80,5%, lợi nhuận kế toán trước thuế 51 tỷ đồng, sau thuế 18 tỷ đồng, giảm mạnh so với thực hiện 2021 là 99 tỷ đồng.
Không chỉ mang gần 2.000 tỷ đồng chia thưởng, doanh nghiệp của nữ đại gia Chu Thị Bình cũng sẽ chi khoảng 460 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu.
Nguồn: [Link nguồn]