Trước khi có Tổng giám đốc mới, "ông trùm" thầu xây dựng Coteccons kinh doanh ra sao?
Trước khi có Tổng giám đốc mới sau gần 2 năm bị bỏ trống, "ông trùm" thầu xây dựng Coteccons đã có quý thứ 3 thua lỗ trong 4 quý kinh doanh gần nhất.
Ngày 5/8 vừa qua, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã có quyết định bổ nhiệm Ông Võ Hoàng Lâm làm Tổng Giám đốc của công ty. Trước khi nhậm chức vụ mới, ông Lâm giữ vai trò Phó tổng giám đốc Coteccons và đồng thời được bầu làm thành viên HĐQT từ tháng 4 đến nay.
Theo giới thiệu, ông Lâm có 17 năm kinh nghiệm làm việc tại Coteccons, từng trải qua nhiều vị trí quản lý từ Giám đốc khối, Giám đốc dự án, Phó Tổng Giám đốc. Ngoài ra, ông còn từng làm Tổng Giám đốc Unicons, công ty con thuộc Coteccons.
Như vậy, Coteccons có Tổng Giám đốc mới sau gần 2 năm trống ghế. Trước đó, vào tháng 8/2020, Coteccons thông qua việc từ nhiệm tổng giám đốc công ty đối với ông Nguyễn Sỹ Công do kết thúc nhiệm kỳ. HĐQT ngay lập tức bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc đối với ông Võ Thanh Liêm, nhưng đến tháng 3/2021 thì không gia hạn thêm nhiệm kỳ đối với ông Liêm.
Về kết quả kinh doanh, trước khi bổ nhiệm ông Võ Hoàng Lâm ngồi vào vị trí Tổng giám đốc của doanh nghiệp, “ông trùm” xây dựng Coteccons đã thua lỗ tại 3 trong 4 quý kinh doanh gần nhất.
Ông Võ Hoàng Lâm được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc CTD trong bối cảnh doanh nghiệp vừa trải qua quý lỗ thứ 3 trong 4 quý gần nhất
Báo cáo tài chính quý 2/2022 của CTD cho biết doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 3.280,63 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng thấp hơn giúp nhà thầu xây dựng này cải thiện biên lãi gộp trong quý lên mức 6,57%, qua đó thu về gần 216 tỷ đồng lãi gộp, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021.
Không chỉ doanh thu từ hoạt động chính, Coteccons cũng ghi nhận đà tăng mạnh 3,2 lần ở hoạt động tài chính, mang về cho công ty hơn 152 tỷ đồng.
Trong quý 2, chi phí tài chính, chi phí lãi vay của CTD đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gần gấp 3 lần, tiêu tốn của doanh nghiệp hơn 360 tỷ đồng.
CTD thuyết minh chủ yếu do chi phí dự phòng hết 256,52 tỷ đồng, tức tăng thêm 240,23 tỷ đồng so với cùng kỳ. Coteccons cho biết thêm, đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 242 tỷ đồng cho dự án D’Capitale, lũy kế trích lập đã đủ dư nợ 484 tỷ đồng.
Đáng chú ý, D’Capitale chính là dự án bất động sản do Công ty Ngôi sao Việt - thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh - làm chủ đầu tư. Dù dự án này đã được bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2019, nhưng đến nay Coteccons vẫn chưa thể thu hồi khoản nợ phát sinh tại đây.
Chính khoản chi quá lớn này đã bào mòn toàn bộ doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của Coteccons trong quý 2, trực tiếp khiến nhà thầu xây dựng này báo lỗ trước thuế gần 28 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 vẫn lãi dương 59 tỷ) và lỗ sau thuế 24 tỷ đồng.
Đây là quý thua lỗ thứ 3 trong 4 quý kinh doanh gần đây của CTD. Trước đó, trong quý 3 năm 2021, CTD báo lỗ sau thuế 12 tỷ đồng và quý 4/2021, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế 63 tỷ đồng bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Trong quý 2/2022, lần đầu tiên Coteccons mang 219,6 tỷ đồng đi đầu tư cổ phiếu và trích lập 20,45 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán, chiếm 9,31% tổng danh mục đầu tư.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận doanh thu đạt 5.193,15 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 5,44 tỷ đồng, giảm 94,5% so với cùng kỳ. Kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 27,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Coteccons tăng 9,4% so với đầu năm lên 16.456,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 9.139,8 tỷ đồng, chiếm 55,5% tổng tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn của công ty có xu hướng tăng mạnh từ mức 661 tỷ đồng đầu năm lên 919 tỷ đồng vào giữa năm 2022.
Các khoản tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.698 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.103,8 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản và các tài sản khác.
Ngoài ra, tính tới cuối quý 2, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 1.312,41 tỷ đồng lên 1.314,13 tỷ đồng và chiếm 8% tổng nguồn vốn (đầu năm vay 1,72 tỷ đồng).
Một tháng sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Lê Bá Nguyên đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần chứng khoán BOS.
Nguồn: [Link nguồn]