Triển vọng kinh tế năm 2021: Chuyên gia lạc quan, doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế

Năm 2020, do xuất hiện dịch Covid-19 nên các chỉ số tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới đều ảnh hưởng rõ rệt. Song, theo các chuyên gia, năm vừa qua kinh tế Việt Nam khả quan hơn nhiều các nước láng giềng và tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực trong năm 2021.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất siêu hàng hóa và dịch vụ đạt 7,1 tỷ USD và là năm thứ 6, Việt Nam liên tiếp xuất siêu hàng hóa, với mức kỷ lục 19,1 tỷ USD năm 2020.

Trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trung bình, mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, so với gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá trong năm 2021, Việt Nam sẽ là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và sẽ phục hồi kinh tế nhanh với mức từ hơn 6%-11,2%.

Nói về những khó khăn gặp phải trong năm 2020 vừa qua ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho rằng: Năm 2020, có thể nói chúng ta đã vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục. Chúng ta bước sang năm mới 2021 với nền tảng kinh tế tăng trưởng tuy thấp nhưng dẫu sao vẫn là tăng trưởng dương và nằm trong top các nước có nền kinh tế tăng trưởng trên thế giới.

“Tôi tin rằng, năm 2021 các doanh nghiệp có sức chịu đựng và có sức bật để đưa nền kinh tế của chúng ta phát triển ở mức 6,5 – 7%/năm. Thế mạnh của các DN Việt đó là rất linh hoạt để đáp ứng với môi trường khó khăn; lực lượng lao động trẻ nên có nhiều khả năng phát triển rất tốt.” – Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Chuyên gia BĐS cũng lạc quan cho rằng, năm 2021 – năm khởi đầu của nhiệm kỳ mới sau Đại hội Đảng lần thứ 13, các địa phương đều có bộ máy nhân sự mới là lực lượng rất trẻ và có sự đổi mới hoàn toàn.

“Tôi tin rằng, tại các địa phương, hệ thống chính quyền của khóa mới ngay từ đầu nhiệm kỳ sẽ tạo ra những tăng tốc để bứt phá,…” – ông Đính nói.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta đang đứng trước nền kinh tế kỹ thuật số, nền tảng của công nghệ hiện đại nên rất nhiều DN đã chủ động chuyển mình. Đây chính là điểm mạnh cho các DN cũng là điểm mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.

Và theo ông Nguyễn Văn Dũng – chuyên gia Công nghệ số, thực tế có rất nhiều DN đã kịp chuyển mình, hầu như những DN chủ động chuyển mình thì đều có kết quả đột phá.

Chính vì thế, theo ông Dũng trong năm tới thậm chí ngay lúc này chúng ta cần nhanh chóng tiếp cận với vấn đề chuyển đổi số.

“Tôi có một lời khẩn cầu tha thiết, đó là các bạn hãy nhanh chóng chuyển dịch số DN của mình bởi ở thời điểm này nếu các bạn không chuyển dịch có nghĩa các bạn đã mất đi khoảng 80% thị trường” – ông Dũng nhấn mạnh.

Trước thềm năm mới 2021, dù còn đó những khó khăn, thách thức mà các DN phải đối mặt, nhưng mỗi doanh nghiệp đã có những phương án, hướng đi riêng để biến nguy khó thành cơ hội, phát triển trong tình hình mới.

Là Giám đốc DN du lịch chuyên lĩnh vực lữ hành quốc tế, ông Nguyễn Tuấn Linh cho biết, năm 2020 dù chịu ảnh hưởng khá nhiều nhưng tập thể cán bộ công nhân viên luôn đồng lòng, cố gắng vận hành để bám nghề.

Thay vì hướng đến du khách nước ngoài, công ty đã chuyển hướng triển khai các tour du lịch trong nội địa, bắt kịp trend của Tổng Cục Du lịch đó là “người Việt du lịch Việt”.

Ở lĩnh vực may mặc, năm vừa qua cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Thanh Huyền – Giám đốc Kinh doanh một công ty du lịch cho biết, để duy trì sản xuất kinh doanh, công ty đã đưa ra những định hướng mới, đó là chuyển hướng sang bán buôn và bán hàng online.

Ngoài sản phẩm truyền thống là quần áo đồng phục, thì công ty đã nhận cung ứng một lượng lớn khẩu trang vải để các DN dùng làm quà tặng cho nhân viên và đối tác.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp đều lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1-2021 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 4/2020.

Ông Hoàng Tùng – chủ chuỗi cửa hàng F&B tự tin cho rằng mình đã có kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng.

“Với những gì đã xảy ra thì tôi nghĩ rằng không có gì chúng ta phải hoảng loạn, hoảng sợ cả, bởi vì tất cả những khó khăn chúng ta đã trải qua rồi, vượt qua một cách rất là xuất sắc. Do đó, không có gì phải hốt hoảng, và mọi việc đều có cách thức để chúng ta vượt qua, và chúng ta cứ việc tập trung vào việc kinh doanh, đồng thời thực hiện tốt 5K thì dịch Covid cuối cùng cũng sẽ phải chào thua” - ông Tùng lạc quan nhắn nhủ.

Để đạt được những mục tiêu kinh tế đề ra, ngay những ngày đầu năm theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép”, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang, nhưng không được chủ quan.

Nguồn: [Link nguồn]

Cuối năm, công ty thưởng 40 ô tô cho nhân viên xuất sắc gây xôn xao

40 nhân viên xuất sắc đã được nhận ô tô mới dịp này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN