Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS sở hữu tài sản thế nào trước khi bị bắt?
Tổng giám đốc của CTCP Chứng khoán BOS (ART) Nguyễn Quỳnh Anh là đồng phạm thứ 4 liên quan đến vụ thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam.
Tối 8/4, Bộ Công an phát đi thông báo cho biết ngày 07/4/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 03 tháng đối với Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh cùng với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán".
Bà Hương Trần Kiều Dung là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS (ART); Nguyễn Quỳnh Anh là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS (ART). Ngày 08/4/2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định, Lệnh tố tụng đối với Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh theo quy định của pháp luật.
Như vậy, liên quan đến tội thao túng thị trường chứng khoán của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đến nay đã có thêm 4 đồng phạm gồm Trịnh Mai Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh bị bắt để điều tra.
Là một trong những đồng phạm của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” nhưng những thông tin về bà Nguyễn Quỳnh Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS được công bố khá ít ỏi.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh bị bắt tạm giam do liên quan đến tội thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết
Theo giới thiệu từ trang web chính thức của chứng khoán BOS, bà Nguyễn Quỳnh Anh sinh năm 1980 có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Bà Quỳnh Anh đã tốt nghiệp Thạc sĩ Tài chính - Đại học Jean Moulin Lyon 3 (Pháp) và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị tài chính và chứng khoán.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh đã từng đảm nhiệm các chức vụ Tổng giám đốc - Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS). Giám đốc kinh doanh Quốc tế - Thị trường chứng khoán- Công ty cổ phần Chứng khoán Nhật Bản (JSI), ... và được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của ART từ tháng 8/2018 đến nay. Trước khi được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc tại ART, bà Nguyễn Quỳnh Anh cũng chỉ mới gia nhập doanh nghiệp này vào tháng 6/2018.
Cùng với việc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Chứng khoán BOS, bà Nguyễn Quỳnh Anh cũng có thời gian là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sau đó vị trí người đại diện pháp luật của Chứng khoán BOS được chuyển sang cho bà Hương Trần Kiều Dung – Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp.
Theo báo cáo quản trị năm 2021 của ART, dù có nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp trên cương vị Tổng giám đốc tuy nhiên tại thời điểm cuối năm 2021 bà Nguyễn Quỳnh Anh và những người liên quan trong gia đình không sở hữu bất kỳ cổ phiếu ART nào.
Thông tin từ báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 cho biết trong năm vừa qua nữ doanh nhân sinh năm 1980 này nhận được 1,02 tỷ đồng tiền thù lao cho vị trí Tổng giám đốc doanh nghiệp.
Trong khi đó, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 và 2019 của ART không nêu cụ thể mức thu nhập của các thành viên ban lãnh đạo. Tuy nhiên, trong năm 2019 khoản thù lao ban lãnh đạo của ART tăng vọt từ hơn 1.110 tỷ đồng của năm 2018 lên thành hơn 2.385 tỷ đồng trong năm 2019.
Mặc dù vậy, năm 2020 khoản thù lao bãn lãnh đạo của ART lại quay đầu giảm còn hơn 2.319 tỷ đồng trước khi tiếp tục giảm chỉ còn hơn 2.029 tỷ đồng trong năm 2021 vừa qua.
Liên quan đến CTCP Chứng khoán BOS (ART), trước khi cả Chủ tịch Hương Trần Kiều Dung và Tổng giám đốc Nguyễn Quỳnh Anh bị bắt tạm giam để điều tra về vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán".
Trong sáng ngày 8/4, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS đã công bố thông tin về việc hủy ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 28/03/2022 tại Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐQT-BOS ngày 04/3/2022.
Trong thông báo phát đi, đại diện doanh nghiệp cho biết cần thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên. Hội đồng Quản trị Công ty sẽ xem xét, quyết định thời gian tổ chức họp thích hợp chậm nhất trước 30/06/2022.
Trước khi bị bắt, Phó chủ tịch Tập đoàn FLC, Hương Trần Kiều Dung đang làm lãnh đạo ở hàng loạt doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” FLC.
Nguồn: [Link nguồn]