Tiền nhàn rỗi ùn ùn đổ vào ngân hàng, người dân, doanh nghiệp vẫn phải vay “tín dụng đen”
Nhiều doanh nghiệp – hộ kinh doanh thuộc khối sản xuất trong đối tượng được ưu tiên vay vẫn tiếp cận mức lãi cao. Đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ rất trông chờ tiếp động thái hạ lãi suất cho vay từ các ngân hàng để dễ tiếp cận vốn, kịp sản xuất theo mùa vụ.
Lãi cho vay tăng cao, doanh nghiệp vay vốn “chùn tay”
Việc lãi suất huy động tăng cao thời gian qua khiến lãi suất cho vay từ các ngân hàng cũng liên tục được điều chỉnh. Theo đó, hoạt động cho vay kinh doanh cũng đã có lãi suất lên tới 9-10%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà, ô tô được nhiều ngân hàng nâng lên từ 13-14%/năm, thậm chí có những ngân hàng đã công bố mức lãi suất cho vay lên tới 15-16%/năm khiến nhiều người có nhu cầu vay vốn “chùn tay”.
“Tôi vay đang 1,6 tỉ đồng với lãi suất 9%/năm. Gần đến ngày đáo hạn, phía ngân hàng thông báo lãi suất lên 14%/năm. Tôi đang phải tính toán lại xem có vay hay không” - Anh Hòa - Chủ cơ sở chế biến thực phẩm sạch (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Anh Hòa - Chủ cơ sở chế biến thực phẩm sạch (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đơn vị này vay 1,6 tỉ đồng với lãi suất 9%/năm. Gần đến ngày đáo hạn, phía ngân hàng thông báo lãi suất lên 14%/năm cho vay khoản tương tự. “Với mức lãi suất này thì chúng tôi rất khó kiếm lời, nên đang tính toán lại xem có vay hay không. Giá vốn cao, nguyên vật liệu cao nhưng giá bán đâu thể tăng tương ứng vì khó khăn thế này, tăng giá là tự giết mình”, chủ cơ sở trên chia sẻ.
Nhiều khách hàng, doanh nghiệp đang phải vay vốn lãi suất cao để sản xuất, kinh doanh
Ông T.T.P, đại diện Công ty nội thất, cũng chán nản cho hay chưa bao giờ tình hình kinh doanh gần tết mà lại khó khăn như năm nay. “Hiện tại mình đang vay để kinh doanh, mức lãi suất cũ là 9,5%, nay ngân hàng thông báo chuẩn bị tăng lên 13,5%. Bó tay nhưng lỡ vay rồi thì phải theo thôi. Thực sự, khó chồng khó” ông P. nói thêm.
“Kinh doanh khó khăn, lãi vay thì tăng cao. Thực sự, khó chồng khó” - Ông T.T.P, đại diện Công ty nội thất.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty xuất khẩu cá tra tại Đồng Tháp cho rằng, hai quý cuối năm, xuất khẩu cá tra gặp khó do ảnh hưởng cuộc xung đột Nga – Ukraine và việc các quốc gia thi nhau phá giá đồng nội tệ ảnh hưởng xuất khẩu. Vì thế, vị này kiến nghị ngành ngân hàng giữ ổn định mặt bằng tỷ giá và giảm lãi suất cho vay.
Chung cảnh ngộ, ông Bình - một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực thủy sản bày tỏ: “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nếu lãi suất không hạ thì hiệu quả sản xuất không có, thậm chí âm, người đi vay sẽ rất cân nhắc.
“Do tắc các loại nguồn vốn, một số doanh nghiệp BĐS “đói vốn” thậm chí đã phải vay vốn tín dụng đen với lãi suất rất cao”... ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA)
Trong khi đó, phát biểu trong một hội thảo mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Trong khi đó, khối lượng trái phiếu đáo hạn đến 31/12/2022 khoảng 21.650 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 119.000 tỷ đồng và năm 2024 khoảng 112.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM
“Do tắc các loại nguồn vốn, một số doanh nghiệp BĐS “đói vốn” đã phải vay vốn tín dụng đen, lãi suất rất cao đầy “rủi ro”, ông Châu cho biết.
Báo cáo mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy việc khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng động thái siết tín dụng thời gian qua đã đưa nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn.
Theo báo cáo, không ít doanh nghiệp phải sang nhượng tài sản hoặc vay “nóng” với lãi suất cao để giải quyết nhu cầu vốn trong ngắn hạn, duy trì việc làm cho công nhân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trong tháng 11/2022, cả nước có 10.523 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Lãi tiết kiệm tăng mạnh, người dân ùn ùn mang tiền gửi ngân hàng
Trong khi doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, lượng tiền gửi tiết kiệm người dân có xu hướng tăng trở lại sau một quý suy giảm khi lãi tiết kiệm tăng mạnh. Theo đó, kể từ cuối tháng 9 đến nay các ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, đưa lãi suất kỳ hạn dài lên mức 9-10%/năm.
Đầu tháng 12, lãi suất tiết kiệm tiếp tục được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh. Tại một số ngân hàng thương mại, khách hàng có thể hưởng lãi tiết kiệm cao nhất lên tới 10,5%/năm thậm chí lên đến 11%.
Những ngày đầu tháng 12, lãi suất tiết kiệm tiếp tục được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh. Ngày 10/12, Ngân hàng số Cake by VPBank tăng lãi suất huy động 6 tháng lên 9,8%/năm, từ 12 tháng trở lên 9,95%/năm.
Loạt ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lãi tiết kiệm đầu tháng 12 để huy động tiền gửi
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6 - 8 tháng lên 9%/năm; 9 - 11 tháng lên 9,1%/năm; 13 tháng trở lên 9,3%/năm. Ngoài ra, OCB còn áp dụng lãi suất đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm điện tử giúp khách hàng có thể hưởng lãi tiết kiệm cao nhất lên tới 10,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) mới đây đã tăng lãi suất lên mức cao nhất 9,7%/năm ở kỳ hạn từ 10 tháng trở lên, từ 6 - 9 tháng có mức lãi 9,5%/năm; dưới 6 tháng đồng loạt ở mức 6%/năm…
Theo thống kê của các công ty chứng khoán, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã tăng khoảng 3-4%/năm so với cuối năm 2021 và cao hơn so với trước dịch Covid-19. So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng và vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Lãi suất cao, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản kém hấp dẫn hơn trước đã khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân chảy mạnh vào ngân hàng.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNH) về dữ liệu tiền gửi khách hàng vào hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10/2022 cho biết tổng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã đạt hơn 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 5.766 tỷ đồng so với cuối tháng 9. Trong đó, động lực chính đến từ nhóm khách hàng dân cư.
Cụ thể, tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm 15.811 tỷ đồng trong tháng 10 xuống còn hơn 5,76 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi dân cư tăng 21.577 tỷ đồng tháng 10 lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng. Đây cũng mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7. Trước đó, mặc dù vẫn có tăng trưởng trong các tháng của quý 3 nhưng mức tăng đã chậm lại rõ rệt so với đầu năm, chẳng hạn như trong tháng 9 chỉ tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng - Ảnh VNBA
Dù lượng tiền người dân gửi ngân hàng đã tăng trở lại nhưng theo Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)…
“Lãi suất huy động chưa có xu hướng giảm là bởi một số ngân hàng vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng” - Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, cho biết một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động chưa có xu hướng giảm là một số ngân hàng vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng. Điều này xuất phát từ hiện tượng người dân thiếu niềm tin vào ngân hàng quy mô nhỏ nên chuyển sang gửi tiền ở các ngân hàng có vốn Nhà nước, chứ không hẳn gặp vấn đề thanh khoản.
Bên cạnh đó, các giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua bị hạn chế, đều yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước.
Giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Trước việc lãi suất cho vay liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã vận động các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ danh nghiệp.
“Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi” - Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú.
Tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh hôm 15/12 vừa qua, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
''Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ'', ông Tú nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, đến nay đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm.
Cụ thể, BIDV lãi suất giảm 0,5%- 2,5%/năm cho Khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11; Vietcombank giảm lãi suất tới 1% một năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu, từ 1/11 đến hết 31/12/2022; ACB giảm 1%/năm lãi vay cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB từ 6/12/2022 đến 31/1/2023.
Techcombank giảm lãi suất 0,25% - 1,92%/năm cho Khách hàng cá nhân sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ giảm 0,3-1,8%; có khoản vay lớn giảm 0,25-1,5%, hộ kinh doanh giảm 0,64-1,84%; Doanh nghiệp lớn: giảm bình quân 0,82%/năm; Doanh nghiệp giảm 1,92%/năm; MB có những gói ưu đãi riêng, giảm từ 0,5 - 1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu,...
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - Ảnh VNBA
Song song với đó, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tổ chức cuộc họp kêu gọi các ngân hàng thương mại thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
VNBA sau đó cũng đã có công văn báo cáo NHNN và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại liên quan vấn đề thanh khoản từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023 và thống nhất mức lãi suất huy động không quá 9,5%/năm.
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết với 30 tổ chức tín dụng đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung vừa qua căn cứ năng lực tài chính, tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-2%/năm.
Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định các ngân hàng giảm lãi suất huy động, cho vay theo quy mô và tiềm lực là để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua công cụ OMO, cho vay tái cấp vốn, mua bán ngoại tệ hoán đổi.
''Giảm lãi suất không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về năng lực tài chính, không để ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Ngược lại, cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân'', Phó thống đốc nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định không để ngân hàng nào, kể cả ngân hàng nhỏ, rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Theo đó, chính sách tiền tệ hiện nay đảm bảo cung ứng vốn, thanh khoản, đồng thời kiểm soát lạm phát cho cả giai đoạn 2022-2023.
Người vay, doanh nghiệp sẽ dễ thở?
Trước loạt chỉ đạo của Ngân hàng NN, nhiều doanh nghiệp – hộ kinh doanh thuộc khối sản xuất trong đối tượng được ưu tiên vay vẫn tiếp cận mức lãi cao. Đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ rất trông chờ tiếp động thái hạ lãi suất cho vay từ các ngân hàng để dễ tiếp cận vốn, kịp sản xuất theo mùa vụ.
“Nếu lãi vay lên đến 14-15% thì 'tắc thở', vì khi đó không chỉ chi phí tăng, mà các đối tác, khách hàng cũng không kinh doanh được, đơn hàng chắc chắn giảm. Đó là “chết hai chiều'" - Giám đốc một doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM.
Giám đốc một doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM cho biết lãi vay lưu động đã tăng từ mức 8%/năm lên 10%/năm khiến chi phí tài chính tăng 25%, trong khi vốn vay chiếm đến 30% tổng vốn đầu tư.
Lúc này, lượng đơn hàng sụt giảm, báo giá cũng phải ở mức cạnh tranh để giành giật đơn hàng nên có những đơn hàng công ty vừa nhận đã thấy lỗ, chưa tính đến chi phí phát sinh.
"Lãi cao nhưng không vay không được vì sẽ không có tiền để mua nguyên phụ liệu. Nhưng hiện tại tôi cũng chỉ vay ngắn hạn để thực hiện đơn hàng chứ không vay mới đầu tư thêm.
Với biên lợi nhuận như chúng tôi, nếu lãi vay lên đến 14-15% thì 'tắc thở', vì khi đó không chỉ chi phí tăng, mà các đối tác, khách hàng cũng không kinh doanh được, đơn hàng chắc chắn giảm. Đó là “chết hai chiều'", vị giám đốc này chia sẻ.
Các doanh nghiệp kỳ vọng sớm được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để ổn định sản xuất kinh doanh
Trao đổi với báo chí bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết hầu hết doanh nghiệp (DN) ngành dệt may vẫn đang gặp khó khăn do sức mua sụt giảm ở nhiều thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ vốn chiếm đến 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành nhưng sức mua lại xuống thấp trầm trọng. Nhiều nhà mua hàng đang tồn kho lượng lớn sản phẩm.
"Khó khăn càng gia tăng khi doanh nghiệp vừa bị ảnh hưởng bởi khó khăn toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine khiến đơn hàng sụt giảm, công nợ kéo dài. Người bán không bán được hàng nên chậm thanh toán khiến doanh nghiệp dệt may chịu áp lực lớn về tài chính" - bà Tuyết Mai phản ánh.
Đại diện Vitas so sánh khó khăn hiện tại không thua gì những khó khăn trong giai đoạn COVID-19. Vì vậy, kiến nghị nhà nước có chính sách tốt để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp trong đó đặc biệt cần thiết là chính sách chính miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Trong đó, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế...
Trước những khó khăn về vốn các đoanh nghiệp đang phải đối mặt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Trong đó, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Các ngân hàng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |