Thương vụ 1USD và cơn càn quét thị trường bán lẻ của hệ thống Vinmart dưới thời tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Sự kiện: Kinh Doanh

Trước khi sáp nhập vào Masan Group, hệ thống Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã thực hiện nhiều thương vụ sáp nhập "khủng", điển hình là mua lại Shop&Go chỉ với... 1USD.

Sáng 3/12, Tập đoàn Vingroup đã phát đi thông cáo cho biết, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Thoả thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam. Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt tay đại gia Nguyễn Đăng Quang, Vinmart và Vinmart+ sáp nhập vào Masan Group

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt tay đại gia Nguyễn Đăng Quang, Vinmart và Vinmart+ sáp nhập vào Masan Group

Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam, theo đó Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Đây được xem là bước chuyển mình cực lớn nhằm hiện thực hóa mục tiêu trước đó là xây dựng VinCommerce trở thành hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam. Trước đó, để thực hiện mục tiêu lâu dài, VinCommerce đã thực hiện nhiều thương vụ “khủng”.

Sáp nhập 8 siêu thị cho giới nhà giàu

Mới đây nhất, chỉ cách đây tròn 3 tháng, ngày 31/8/2019, Fanpage chính thức của VinMart công bố việc thâu tóm 8 siêu thị Queenland Mart.

"Chuỗi siêu thị Queenland Mart chính thức sáp nhập với hệ thống VinMart, nâng tổng số điểm bán thành con số 120 siêu thị trên toàn quốc", thông tin từ Vinmart cho biết.

Một siêu thị Queenland Mart trước khi sáp nhập vào Vinmart

Một siêu thị Queenland Mart trước khi sáp nhập vào Vinmart

Chuỗi siêu thị Queenland Mart thuộc CTCP thực phẩm Bông Sen, được thành lập vào năm 2014 với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh hệ thống siêu thị, bán lẻ.

Tham gia thị trường bán lẻ khá muộn, Queenland Mart tập trung mở trong những chung cư, toà nhà dân cư cao cấp. Những mặt bằng của hệ thống này được đánh giá cao cấp, đắt đỏ.

Thời điểm trước khi bị Vinmart thâu tóm, Queenland Mart chỉ có 8 siêu thị, nằm chủ yếu tại quận 7 và quận 2, TP.HCM.

Thâu tóm Fivimart

Thành viên của VinGroup – Công ty CP Dịch vụ Thương mại VinCommerce cũng từng gây chú ý khi hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart.

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, tuy vậy sau khi mua 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty CP Nhất Nam, VinGroup sẽ có thêm 23 siêu thị Fivimart vào hệ thống của mình. Qua đó, VinCommerce sẽ sở hữu hệ thống bán lẻ khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi Vinmart+.

Sau khi mua 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty CP Nhất Nam, VinGroup đã có thêm 23 siêu thị Fivimart vào hệ thống của mình.

Sau khi mua 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty CP Nhất Nam, VinGroup đã có thêm 23 siêu thị Fivimart vào hệ thống của mình.

Giai đoạn 2015 - 2017, doanh thu của Fivimart có sự cải thiện khi tăng từ 1.075 tỷ đồng (năm 2015) lên mức 1.269 tỷ đồng (năm 2017). Tuy nhiên, doanh nghiệp liên tục báo lỗ, năm đầu tiên lỗ 60 tỷ, sau đó lỗ 96 tỷ vào năm 2016 và tình hình cải thiện vào năm 2017 khi chỉ còn lỗ 23 tỷ đồng. Nguyên nhân đưa ra là do chi phí phát sinh tăng cao, chủ yếu là chi phí quản lý mỗi năm trên dưới 250 tỷ đồng. Chưa kể, đến cuối năm 2017, Fivimart đang ôm khoản nợ vay 317 tỷ đồng.

Đây mới chỉ là một vài con số tài chính công khai của chuỗi siêu thị này trước khi về một nhà với VinGroup.

Mua Shop&Go chỉ với… 1USD

Cũng trong năm 2019, thượng tuần tháng 4, VinCommerce - đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ còn chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động mang thương hiệu Shop&Go. 

Theo Vingroup, chính Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống - chủ sở hữu chuỗi cửa hàng này - đề nghị được nhượng lại 100% cổ phần với giá 1 USD. Như vậy, khi nhận chuyển nhượng, VinCommerce còn nhận về tài sản và các nghĩa vụ hiện có, bao gồm cả nghĩa vụ nợ (nếu có) của Công ty Cửa hiệu và Sức sống. 

Công ty sở hữu chuỗi cửa hàng Shop&Go có vốn điều lệ hơn 207 tỷ đồng. Được thành lập từ 2005, Công ty Cửa hiệu và Sức Sống hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng. Cửa hàng đầu tiên của Shop&Go đi vào hoạt động năm 2006 tại TP.HCM. Trước khi sáp nhập vào Vinmart, chuỗi có 70 cửa hàng tại TP.HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội nằm tập trung ở trong các quận nội thành.

Là một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng được hình thành sớm tại Việt Nam nhưng hoạt động kinh doanh của Shop&Go lại theo chiều hướng đi xuống trong những năm gần đây trước sức ép cạnh tranh từ những đối thủ khác.

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Shop&Go, hai năm 2015 và 2016 hệ thống cửa hàng này báo lỗ lần lượt 17,8 và 38,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là gần 205 tỷ đồng.

Shop&Go đi theo mô hình cửa hàng tiện lợi với đặc trưng hoạt động suốt 24h mỗi ngày, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn nhanh, thức uống pha chế, các dịch vụ tiện ích như máy rút tiền tự động ATM, bán thẻ nạp điện thoại, thẻ gọi điện thoại đường dài IDD card... Đối tượng khách hàng chính của Shop&Go là người nhắm đến sự tiện lợi trong phong cách phục vụ hiện đại tại cửa hàng.

Thâu tóm Trung tâm thương mại - siêu thị Maximark

Xa hơn, cách đây 4 năm, cuối tháng 10/2015, VinGroup cũng nhận chuyển nhượng 100% cổ phần từ Công ty CP đầu tư An Phong, qua đó đã trở thành chủ sở hữu mới của hệ thống Trung tâm thương mại – siêu thị Maximark.

Đây là hệ thống phân phối hiện đại và có uy tín tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bao gồm: Maximark 3 Tháng 2, Maximark Cộng Hòa, Maximark Quận 2 và Maximark Gò Vấp tại TP HCM, Maximark Tuy Hòa, Maximark Nha Trang, Maximark Cam Ranh, Maximark Phan Rang, Maximark Biên Hòa và các sở hữu khác thuộc Công ty An Phong.

Sau khi hoàn tất các thủ tục sang nhượng, toàn bộ các Trung tâm thương mại – siêu thị Maximark đã được chuyển đổi thành các siêu thị VinMart/VinMart+ thuộc hệ thống Vinmart hoặc trở thành thành viên của hệ thống Vincom Retail với thương hiệu Vincom.

Mua lại Ocean Retail

Vingroup mua lại 70% cổ phần công ty Ocean Retail và đổi tên thành công ty CP Siêu thị VinMart.

Vingroup mua lại 70% cổ phần công ty Ocean Retail và đổi tên thành công ty CP Siêu thị VinMart.

Đáng chú ý nhất trong "cơn địa chấn" mang tên Vinmart đó là sự kiện xảy ra vào tháng 10/2014, khi tập đoàn VinGroup công bố chính thức việc mua lại 70% cổ phần công ty Ocean Retail - thành viên của tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) và đổi tên thành công ty CP Siêu thị VinMart. Đây là bước phát triển quan trọng đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam.

Công cuộc "thay áo" cho Ocean Mart thành Vinmart khá chóng vánh, chỉ với 2 tuần đàm phán (theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Ocean Group Dương Trọng Nghĩa khi đó) và chưa đầy 2 tháng để thay đổi nhận diện thương hiệu. Không những thế, thương vụ này còn được dư luận khá quan tâm, nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao tập đoàn Vingroup lại mạnh tay chi tiền để mua lại chuỗi hệ thống siêu thị mới chỉ đi vào hoạt động được hơn 1 năm?".

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú khi đó có một nhận định khá đắt giá: "VinGroup không phải mua thương hiệu Ocean Mart mà đơn thuần chỉ là mua địa điểm bởi thông thường, để một tên tuổi có thương hiệu, doanh nghiệp phải xây dựng khoảng 5 năm".

Sau tất cả, 5 năm với hàng loạt thương vụ từ "giá bèo" đến "khủng", hệ thống Vinmart, Vinmart+ từng gắn liền với tên tuổi tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ được sáp nhật vào hệ thống Masan Group - "đế chế" hàng tiêu dùng của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Sau cú bắt tay đáng nhớ này, VinGroup sẽ chỉ là cổ đông của doanh nghiệp được thành lập mới, còn Masan Group đóng vai trò điều hành.

Nguồn: [Link nguồn]

”Bắt tay” tỷ phú Phạm Nhật Vượng, điều gì vừa xảy ra với đại gia nước mắm?

MSN giảm sàn trong ngày công bố sáp nhập Vincommerce và VinEco vào Masan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiếu Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN