Thu nhập của Chủ tịch, Tổng giám đốc công ty bất động sản giảm mạnh
Không chỉ cắt giảm nhân viên, thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp BĐS này cũng giảm mạnh cùng đà giảm của kết quả kinh doanh trong năm vừa qua.
Trong năm 2023, thị trường BĐS nhiều khu vực rơi vào trầm lắng, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS đã phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự để tồn tại. Là một trong những doanh nghiệp BĐS hàng đầu đang niêm yết trên sàn chứng khoán, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) của đại gia Nguyễn Văn Đạt cũng bị tác động đáng kể.
Theo báo cáo tài chính quý 4 mới được công bố, trong năm 2023 doanh nghiệp của Chủ tịch 54 tuổi cũng đã cắt giảm gần 100 nhân sự. Chi phí lương quản lý doanh nghiệp và thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, kế toán cũng sụt giảm mạnh.
Cụ thể trong năm 2023, quỹ lương quản lý doanh nghiệp của PDR giảm gần 50% chỉ còn hơn 23,9 tỷ đồng. Chi phí cho các thành viên lãnh đạo cũng giảm hơn 40% khi giảm từ gần 9 tỷ đồng còn 5,32 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt giảm mạnh nhất tới gần 80% khi giảm từ gần 2,2 tỷ đồng còn hơn 482 triệu đồng.
Tại PDR, Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ có thu nhập cao nhất 1,41 tỷ đồng, nhưng cũng giảm hơn 350 triệu so với năm 2022. Bên cạnh đó, phó tổng giám đốc Phan Lê Hòa có thu nhập đứng thứ 2 với 826 triệu đồng. Thu nhập của kế toán trưởng Ngô Thúy Vân cũng giảm hơn 20 triệu đồng còn 320 triệu đồng trong năm 2023.
Ông Bùi Quang Anh Vũ là người có thu nhập cao nhất trong ban lãnh đạo của Phát Đạt năm 2023
Về kết quả kinh doanh, trong quý 4/2023, Phát Đạt ghi nhận doanh thu đạt hơn 68 tỷ đồng, gấp hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 282,56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 229,5 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân giúp lợi nhuận quý IV/2023 tăng mạnh, Phát Đạt cho biết do trong kỳ Công ty có khoản doanh thu tài chính hơn 421 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng công ty con. Cụ thể, vào tháng 11/2023, Phát Đạt đã công bố việc chuyển nhượng toàn bộ 99,8 triệu cổ phần, tương đương 99,8% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI). Đối tác nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Phát Đạt Holdings.
Lũy kế năm 2023, Phát Đạt ghi nhận doanh thu đạt 617,62 tỷ đồng, giảm 58,95% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 682,39 tỷ đồng, giảm 41,2%. So với kế hoạch đề ra là doanh thu 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỷ đồng, kết thúc năm 2023, Công ty mới hoàn thành 22% mục tiêu doanh thu nhưng đã vượt nhẹ mục tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Phát Đạt là gần 21.070 tỷ đồng, giảm hơn 1.773 tỷ đồng, tương ứng giảm 7,76% so với số đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho của Phát Đạt chiếm hơn một nửa tài sản, ở mức 12.199 tỷ đồng. Tiền mặt tăng gấp đôi lên hơn 505 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn và dài hạn là gần 4.900 tỷ đồng.
Mặt khác, nợ phải trả của Công ty đã giảm 15,48% xuống còn 11.490,5 tỷ đồng, trong đó phải trả ngắn hạn khác là hơn 3.182 tỷ đồng, còn phải trả dài hạn khác là 4.578 tỷ đồng.
Theo số liệu được công bố, ngân hàng thương mại Cổ phần Quân Đội là nhà băng chủ nợ lớn nhất của Phát Đạt với 3 khoản vay có giá trị lần lượt là 182 tỷ đồng, hơn 516 tỷ đồng và khoản vay 663 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Ngân hàng cổ phần công thương Việt Nam với khoản vay gần 286 tỷ đồng, trong khi ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có khoản vay gần 50 tỷ đồng. Tất cả các khoản vay của PDR được đảm bảo bằng BĐS và cổ phiếu doanh nghiệp.
Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế giới Di động, Nguyễn Đức Tài cũng ghi nhận sụt giảm gần 200 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]