Thù lao của Chủ tịch Tập đoàn FLC tăng mạnh so với thời cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mức thù lao đối với các thành viên hội đồng quản trị bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên ban kiểm soát của tập đoàn FLC trong năm 2022 sẽ tăng mạnh so với năm 2021 vừa qua.

Sáng 10/6, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua các kế hoạch kinh doanh và hoàn thiện bộ máy nhân sự bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị thay thế vị trí của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hương Trần Kiều Dung và bầu bổ sung thành viên ban kiểm soát.

Cùng với đó, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC sẽ trình một số nội dung lên đại hội trong đó có nội dung trả thù lao đối với các thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát trong năm 2022.

Hiện Hội đồng quản trị FLC có các thành viên là ông Đặng Tất Thắng, bà Bùi Hải Huyền và ông Lã Quý Hiển. Ông Thắng đang giữ chức vụ chủ tịch, trong khi bà Bùi Hải Huyền giữ chức danh Tổng giám đốc.

Thù lao của Chủ tịch FLC trong năm 2022 sẽ tăng mạnh so với năm 2021

Thù lao của Chủ tịch FLC trong năm 2022 sẽ tăng mạnh so với năm 2021

Theo tờ trình để các cổ đông thông qua, mức thù lao 2022 đề cử cho chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị FLC là 20 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên trong hội đồng quản trị sẽ nhận thù lao 15 triệu đồng/người/tháng.

Còn thù lao cho trưởng ban kiểm soát là 15 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên còn lại trong ban kiểm soát sẽ nhận 10 triệu đồng/người/tháng.

Nếu được thông qua nội dung này, thù lao của chủ tịch và trưởng ban kiểm soát của tập đoàn nghìn tỷ sẽ chỉ tương đương thu nhập của một nhân viên ngân hàng quy mô tầm trung.

Mặc dù vậy, mức thù lao của vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch FLC ghi nhận mức tăng mạnh so với dưới thời cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.

Trước đó, số liệu từ Báo cáo tài chính tự lập năm 2021 của Tập đoàn FLC cho thấy cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các thành viên trong Hội đồng quản trị nhận thù lao chỉ 120 triệu đồng, tương đương mức thù lao 10 triệu đồng/tháng.

Trong năm 2021, FLC cũng chỉ chi 180 triệu đồng trả thù lao cho các thành viên ban kiểm soát. Tính bình quân, mỗi thành viên ban kiểm soát tập đoàn FLC trong năm 2021 nhận thù lao chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, trong năm 2021 FLC đã chi tới hơn 12,2 tỷ đồng cho tiền lương, thưởng và các khoản trích theo lương của Ban Tổng giám đốc. Tổng cộng khoản chi thù lao Hội đồng quản trị và lương thưởng cho ban Tổng giám đốc của FLC hết hơn 12,8 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2020.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 1/2022, FLC đã ghi nhận lỗ sau thuế 465 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 lãi gần 43 tỷ đồng. Đến 31/3, nợ phải trả của FLC tăng 8,5% lên 26,1 nghìn tỷ đồng; Trong đó nợ ngắn hạn tăng 20% lên 17,7 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn cũng tăng mạnh lên 8,4 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản của FLC hiện lên gần 74%.

Nguồn: [Link nguồn]

Chủ sở hữu chuỗi The Coffee House, Giao hàng nhanh, Haravan,… đang kinh doanh ra sao?

Theo những thông tin được công bố, đơn vị vận hành của các chuỗi kinh doanh như The Coffee House, Juno, AhaMove, Giao Hàng Nhanh,… đã ghi nhận mức lỗ đậm trong 2 năm liên tiếp vừa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN