Thông tin mới vụ công nhân dọn rác chật vật mưu sinh vì bị nợ lương suốt 6 tháng
Bị nợ lương, không có thu nhập, đồng nghĩa với việc nhiều công nhân phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, phải vay mượn anh em, bạn bè để có tiền sống qua ngày.
Thời gian vừa qua, thông tin gần 300 công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Minh Quân (nay đổi tên là Tập đoàn Nam Từ Liêm) bị nợ lương nhiều tháng, rơi vào tình cảnh khó khăn đã gây bức xúc cho nhiều người trong xã hội.
Cụ thể, tháng 03/2017, Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân trúng gói thầu thu gom rác trên địa bàn các quận, huyện: Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Mỹ Đức…
Đầu năm 2021, công ty này không trúng thầu tiếp nên chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến tháng 12/2020 công ty này đã không thanh toán tiền lương cho gần 300 lao động với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Gần 300 công nhân thu gom rác bị nợ lương suốt nhiều tháng.
Công việc vất vả, tiền lương ít ỏi nay lại bị nợ lương suốt nửa năm nên người lao động không có thu nhập, nhiều người phải vay mượn để sống cho qua ngày, không biết đến khi nào mới nhận được lương.
Vừa dùng tay áo lau một vệt ngang qua khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của mình, chị Nguyễn Thu Phương (SN:1986), trú tại Đại Linh (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa nói về công việc của mình như thế.
Trước đây, sau khi tốt nghiệp, lấy bằng cử nhân chuyên ngành Triết học của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội, chị cũng từng gắn bó 7 năm với công việc làm hành chính – nhân sự tại một công ty xây dựng.
Thế nhưng, cách đây 3 năm, công ty chị Phương gặp khó khăn, nhiều người đứng trước nguy cơ mất việc làm. Thu nhập của cả 2 vợ chồng chưa được 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chị lại vừa sinh đứa con thứ 2, đứa đầu lại bị tự kỷ dạng nhẹ phải học can thiệp với chi phí khá cao.
Vì vậy, chị đành bỏ việc văn phòng để tìm công việc nào lương cao hơn lại có thời gian chăm sóc cho con.
Những ngày đầu khi mới nghỉ việc văn phòng, chị Phương đi làm shipper rồi kiêm luôn công việc dọn vệ sinh theo ca ở các hầm chung cư.
Bỏ công việc văn phòng, chị Phương chọn công việc dọn rác để có thêm thu nhập và chăm sóc cho con cái.
“Ngày đầu tiên đi dọn rác, vừa đẩy xe xuống hầm tôi vừa khóc như mưa vì tủi thân. Vừa hôm qua thôi mình còn ngồi điều hòa, còn ăn mặc đẹp, hôm nay đã phải đứng trước đống rác với mùi hôi thối nồng nặc. Nhưng khi trấn tĩnh lại, tôi lại gạt nước mắt đi và làm tiếp vì đây là lựa chọn của mình, vì cuộc sống, vì các con”, chị Phương kể lại.
Bỏ qua những lăn tăn về bằng cấp và những khó khăn của công việc để kiếm tiền lo cho con nhưng hơn 6 tháng qua chị bị nợ lương, không có tiền trang trải cuộc sống.
Tiền nhà, tiền ăn, tiền sữa cho con vẫn phải chi, ngày vẫn chui xuống hầm dọn rác đúng giờ, đẩy rác lên đường rồi bốc lên xe đều đặn, thế nhưng Công ty Môi trường Minh Quân (tên cũ) nơi chị làm trước đây lại nợ lương của chị cùng hàng trăm công nhân thu gom rác khác. Tiền công từ nghề lái taxi của chồng chị cũng chỉ đủ trang trải chi phí nhà trọ, sinh hoạt vì tình hình dịch bệnh hết sức khó khăn.
Bị nợ lương, chị Phương đã phải vay mượn bạn bè để có tiền trang trải.
“Tết vừa rồi, lương không, thưởng không, tôi phải trốn không dám về quê. Thậm chí đến ngày bố tôi mất, để có tiền về quê, tôi cũng phải đi vay mượn bạn bè. Con thèm sữa cũng phải “cắn răng” mà chịu vì không có tiền”, chị Phương nghẹn ngào nói.
Một tay oằn mình đẩy xe rác đầy ắp ụ phía trước, một tay dùng hết sức kéo xe rác thứ 2 phía sau, mắt chị vẫn liên tục để ý đến đứa con 3 tuổi ngồi chờ ở ghế đá bên ngoài.
Chị cho biết, dịch Covid-19 nên trường học tạm thời không nhận trông trẻ, chị đành gửi con lớn ở quê, con nhỏ theo mẹ đi gom rác. Khi thì gửi con ở hàng nước, khi lại gửi con ở nhà sách gần đó, lúc thì con tha thẩn chơi bên cạnh xe rác, chờ mẹ hết ca rồi cùng dắt díu nhau về.
“Tiền học can thiệp của đứa con lớn cũng hết 250.000 đồng/giờ, gấp rưỡi một ngày công dọn rác. Vì thế, cho con theo học được 1 tháng hết hơn 20 triệu thì tôi cho nghỉ vì không kham nổi. Chỉ mong con sau này biết đọc, biết viết và kiếm được cái nghề để tự nuôi bản thân là tốt rồi”, vừa dùng chiếc chổi quét gọn lại đống rác mà xe rác còn vương lại bên vệ đường, chị Phương vừa cho biết.
Hết ca làm, chị Phương cùng cậu con trai 3 tuổi cùng nhau về nhà trọ.
Chiếc xe chở rác dần dần di chuyển đi cũng là lúc thành phố đã lên đèn, mẹ con chị Phương lại dắt tay nhau đi lấy xe đạp rồi đèo nhau về phòng trọ. Vất vả, khổ cực và khó khăn là thế nhưng chị Phương cho biết, thời gian tới, chị vẫn sẽ đảm nhận công việc dọn rác tại khu vực này.
“Việc nào cũng là việc, còn sức khỏe thì mình còn hết lòng vì công việc, chỉ hy vọng đòi lại số tiền lương còn lại của công ty cũ để trả nợ, trang trải cuộc sống”, chị Phương nói.
Hiện tại, chiều ngày 06/07, đại diện Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội (đổi tên từ Công ty Minh Quân) đã tiến hành trả hơn 1,3 tỷ đồng tiền nợ lương cho các công nhân thu gom rác ở tổ Cầu Diễn, Tây Mỗ (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Được biết, đây chỉ là 60 công nhân trong tổng số gần 300 người bị công ty Minh Quân nợ lương.
Nguồn: [Link nguồn]
Chiếc túi màu đen có trọng lượng nặng và khi mở ra thì bên trong có nhiều tiền và đồng hồ cao cấp.