Thêm đại gia Việt nhảy vào cuộc đua bán lẻ dược phẩm
Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm được dự đoán sẽ trở nên khốc liệt trong những năm tới khi thêm hàng loạt đại gia nhảy vào lĩnh vực này.
Sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, phần lớn đơn vị kinh doanh phải thu hẹp quy mô thì các chuỗi nhà thuốc lại đua nhau mở mới cửa hàng.
Thời gian gần đây, 3 ông lớn tham gia cạnh tranh và mở rộng thị phần ngành dược sôi nổi nhất hiện là Pharmacity, Long Châu thuộc Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán: FRT) và An Khang thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di động (mã chứng khoán: MWG).
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG) cũng liên tục rót vốn vào Dược phẩm Tipharco hay Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã chứng khoán: DGW) đầu tư vào Đại Tín Pharma…
Theo số liệu từ EIU (Economist Intelligence Unit), doanh thu dược phẩm tại Việt Nam năm 2021 đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Ngành dược phẩm được dự báo sẽ chứng kiến sự cạnh tranh cao khi có nhiều đại gia nhập cuộc.
Ngày càng nhiều đại gia nhập cuộc trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm
Theo đó, mới đây Công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã: MSN) là WinCommerce đã góp vốn thành lập chuỗi nhà thuốc. Cụ thể, Công ty cổ phần Dr.Win, vốn điều lệ 28,5 tỷ đồng được giới thiệu có ngành nghề chính là dược phẩm. Dr.Win trong thông báo tuyển dụng cũng cho biết dược sĩ trưởng có lương 10-12 triệu đồng. Mức này chưa kể thưởng và lương tháng thứ 13.
Thị trường gần đây cũng xôn xao trước thông tin ông lớn viễn thông Viettel bất ngờ "lấn sân" bán lẻ thuốc. Cụ thể, Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (Viettel Commerce), công ty con của Viettel đã gửi thư mời chào giá về cung cấp thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế. Các sản phẩm này sẽ được bán trong hệ thống nhà thuốc Viettel.
Dù chưa chính thức bước chân vào thị trường, song cả WinCommerce và Viettel Commerce đều có những lợi thế nhất định so với những doanh nghiệp đi trước. Theo đó, Wincommerce đang sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ.
Tương tự, Viettel Commerce cũng có chuỗi phân phối, có sẵn công nghệ, đặc biệt là họ đã có sẵn phần mềm quản lý nhà thuốc đang bán rộng rãi cho các nhà thuốc trên thị trường.
Việc các nhà bán lẻ công nghệ dồn dập nhảy vào lĩnh vực bán lẻ thuốc và thiết bị y tế có thể dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ giống như họ đã làm với thị trường bán lẻ điện thoại. Rất có thể nhiều nhà thuốc tư nhân nhỏ sẽ không thể cạnh tranh nổi với các chuỗi bán lẻ thuốc của Masan, Viettel, FPT hay Thế Giới Di Động, giống như việc biến mất của hàng loạt cửa hàng bán lẻ điện thoại trước đây.
Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI nhận định các công ty dược phẩm bán lẻ sẽ duy trì tốc độ mở cửa hàng mới trong tương lai gần.
Công ty chứng khoán này chỉ ra một số triển vọng như kênh nhà thuốc vẫn có thể giành thêm thị phần từ kênh bệnh viện. Nguyên nhân do kênh bệnh viện sẽ mất thời gian để khôi phục tốc độ đấu thầu về mức trước dịch.
Ngoài ra, chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng và những lo ngại liên quan, nhưng chi tiêu cho dược phẩm có thể vẫn ổn định, do tính thiết yếu của các sản phẩm. Như vậy, các chuỗi nhà thuốc sẽ có thể chuyển phần chi phí gia tăng sang khách hàng. Các chuỗi nhà thuốc mở cửa hàng mới có thể thương lượng các điều khoản với các nhà cung cấp, do đó có thể tăng tỷ suất lợi nhuận gộp.
Dù xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB), ông Nguyễn Đức Công vẫn làm lãnh đạo ở nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC liên...
Nguồn: [Link nguồn]