Thế giới di động kinh doanh ra sao trước khi vướng "sự cố" tự ý giảm tiền thuê mặt bằng với chủ nhà?
Việc Thế giới di động vẫn duy trì lợi nhuận lên tới nghìn tỷ bất chấp dịch Covid-19 đã khiến một số chủ nhà không chấp nhận công văn xin dừng đóng tiền thuê mặt bằng với cửa hàng tạm đóng cửa do doanh nghiệp này đưa ra.
Trước tác động tiêu cực của đợt bùng phát thứ 4 dịch Covid-19, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của đại gia Nam Định - Nguyễn Đức Tài đã có thêm công văn gửi tới đối tác mặt bằng về việc thanh toán tiền thuê trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Công văn xin hỗ trợ giảm tiền thuê mặt bằng MWG gửi đối tác đầu tháng 8/2021
Cụ thể, MWG cho biết Thế giới Di động/Điện máy Xanh bị tác động nặng trước biện pháp phòng chống dịch bệnh được triển khai mạnh mẽ trong tháng 7/2021, gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Theo đó, MWG gửi tới các đối tác mặt bằng, đề nghị được hỗ trợ với chi tiết:
"- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.
- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.
Thời gian áp dụng từ 1/1 - 1/8/2021. Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng".
Dù chưa được sự đồng ý của chủ thuê mặt bằng, tuy nhiên đến tháng 9/2021, MWG có thông báo về thanh toán chi phí tiền thuê mặt bằng và tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm đến một số đối tác của mình, trong đó có ông Trần Kỷ Mùi với mặt bằng thuê tại Thị xã An Nhơn, Bình Định.
Trong đơn phúc đáp gửi MWG, ông Mùi bày tỏ sự không đồng ý với động thái trên, bởi theo quy định tại Hợp đồng thuê giữa MWG và ông Mùi về việc Chi nhánh Thế giới Di động tại Bình Định thuê mặt bằng kinh doanh không có điều khoản nào nêu rõ việc MWG được tự ý giảm giá thuê mặt bằng khi chưa có sự đồng ý của người cho thuê mặt bằng.
"Trước đó, MWG đã có liên hệ với tôi giảm 50% tiền thuê nhà trong 1 năm, còn những ngày giãn cách là giảm 100%, nhưng tôi không đồng ý, sau đó phía MWG tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm cho tôi. Tôi không ký bất cứ thỏa thuận hay hợp đồng giảm tiền thuê nào", ông Mùi cho biết.
Trong thư phúc đáp, ông Mùi cũng nêu rõ nếu phía MWG vẫn không tôn trọng và tuân thủ các điều khoản cho thuê đã ký thì sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện lên Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Đối tác của MWG không đồng ý với phương án được doanh nghiệp đưa ra
Dù liên tục có công văn gửi đối tác về việc đề nghị hỗ trợ tiền thuê mặt bằng trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng MWG vẫn là một trong những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” trong đại dịch.
Theo đó, quả kinh doanh tháng 8 tháng đầu năm 2021 của MWG vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020 dù có hàng nghìn cửa hàng phải đóng cửa bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tính riêng tháng 8, doanh thu thuần ghi nhận 6.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm doanh thu thuần đạt 78.495 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó doanh thu online đóng góp hơn 7.540 tỷ đồng cho MWG, tăng 17% so với cùng kỳ.
Doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) đóng góp hơn 57.500 tỷ đồng doanh thu lũy kế từ đầu năm, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ 2020. Trong đó doanh thu của riêng tháng 8 đạt gần 3.500 tỷ đồng, tương đương 40% mức doanh số bình quân thời điểm trước dịch.
Đặc biệt riêng chuỗi Bách hoá xanh (BHX) ghi nhận tổng doanh thu hơn 20.600 tỷ đồng lũy kế 8 tháng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020.
Với 1.928 cửa hàng vào cuối tháng 8, doanh thu tháng này của BHX đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Doanh thu tính bình quân trên mỗi cửa hàng là hơn 1,5 tỷ đồng.
Lũy kế sau 8 tháng, kênh bán hàng qua website của BHX có số lượng đơn hàng gấp 4,5 lần và doanh thu gấp 5,2 lần so cùng kỳ 2020. Về cung ứng, BHX bán ra hơn 25 ngàn tấn hàng tươi sống riêng tháng 8, gần gấp đôi mức trung bình 6 tháng đầu năm.
Nhờ đó, doanh nghiệp của đại gia Nam Định báo lợi nhuận sau thuế đạt 3.006 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Với kết quả này, tập đoàn đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngay trước thời điểm TP HCM công bố từng bước mở cửa trở lại sau gần 5 tháng căng mình chống dịch, Starbucks Việt Nam...