Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương kinh doanh ra sao trước khi dừng công bố số liệu tài chính?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Với việc hủy đăng ký công ty đại chúng, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ trở thành một trong những tập đoàn “bí ẩn” hơn khi sẽ không còn phải công bố thông tin tài chính, các nghị quyết của hội đồng quản trị.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng đối với Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco) kể từ ngày 1/1/2021.

Với quyết định này, đồng nghĩa với việc Tập đoàn kinh tế đa ngành của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ không cần công khai các số liệu tài chính, các nghị quyết ĐHĐCĐ,... và kết quả kinh doanh của Tập đoàn này sẽ là một con số “bí ẩn” với giới đầu tư.

Ông Trần Bá Dương là một trong những tỷ phú kín tiếng tại Việt Nam

Ông Trần Bá Dương là một trong những tỷ phú kín tiếng tại Việt Nam

Trước đó, trong năm 2020, Thaco trình cổ đông thông qua kế hoạch tái cấu trúc theo hướng chia tách công ty hiện tại thành hai phần riêng biệt.

Cụ thể, Thaco sẽ chia tách để thành lập một pháp nhân mới mang tên Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group).

Sau khi thành lập, Thaco Group sẽ phát hành thêm một lượng cổ phần mới để tăng vốn điều lệ tương ứng với vốn điều lệ của Thaco để hoán đổi cổ phiếu cho các cổ đông Thaco.

Vốn điều lệ dự kiến của Thaco Group sẽ được xác định bằng số vốn Thaco tách sang để thành lập là 19.324 tỷ đồng. Người đại diện tại pháp nhân mới nói trên vẫn sẽ là ông Trần Bá Dương với vai trò chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.

Thaco Group sẽ sở hữu toàn bộ vốn góp, cổ phần cũng như các quyền và lợi ích phát sinh của Thaco trong các công ty Địa ốc Đại Quang Minh; Công ty CP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi; Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai; Công ty CP Hùng Vương; và các công ty khác không thuộc lĩnh vực ôtô và cơ khí.

Trước khi thực hiện phương án chia công ty nói trên, Thaco hiện tại cũng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ 16.950 tỷ lên 30.510 tỷ đồng.

Như vậy, sau chia tách, Thaco sẽ là doanh nghiệp vận hành và kinh doanh mảng sản xuất ôtô và cơ khí với vốn điều lệ 11.186 tỷ, Thaco Group chuyên phụ trách mảng nông nghiệp, bất động sản, logistics… vốn điều lệ 19.324 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của Thaco và Thaco Group sẽ giữ nguyên như trước khi tách công ty với hai cổ đông lớn là gia đình ông Trần Bá Dương (hơn 70%) và JC&C (26,3%).

Tuy nhiên, kế hoạch vẫn chưa được triển khai.

Về tình hình kinh doanh, từ đầu năm 2020 đến nay Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương vẫn chưa công bố BCTC mới.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính doanh nghiệp đã kiểm toán năm 2019 của Thaco cho thấy doanh thu thuần Thaco trong năm đạt 56.538 tỷ đồng, giảm 2.585 tỷ so với năm trước.

Ngược lại, nhờ có khoản thu nhập bất thường 2.296 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ giảm hơn 1.300 tỷ đồng xuống còn 5.570 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, LNST của cổ đông công ty mẹ cũng giảm tương ứng từ 6.074 tỷ xuống 4.820 tỷ đồng.

Hai lĩnh vực chính đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh và lợi nhuận của Thaco vẫn là sản xuất và lắp ráp ô tô cùng lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, cũng trong năm 2019, với việc đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, Thaco đã ghi nhận gần 1.600 tỷ đồng doanh thu từ lĩnh vực này.

Đến ngày 31/12/2019, Thaco có tổng tài sản lên tới 106.794 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 74.835 tỷ đồng so với cùng thời điểm năm 2018.

Trong đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng tăng từ 31.161 tỷ đồng cuối năm 2018 lên thành 39.29 tỷ đồng cuối năm 2019.

Tổng số nợ phải trả Tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương là 67.497 tỷ đồng, tăng mạnh so với số nợ 43.674 tỷ đồng cuối năm 2018. Trong đó, riêng nợ ngắn hạn là 53.520 tỷ đồng và hơn 13.976 tỷ đồng là nợ dài hạn.

Tính đến nay, năm 2016 vẫn là năm kinh doanh thành công nhất của Thaco khi doanh thu đạt trên 59,2 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt hơn 8,5 nghìn tỷ đồng.

Sản xuất và lắp ráp ô tô vẫn là lĩnh vực mang về nguồn thu chính cho Thaco

Sản xuất và lắp ráp ô tô vẫn là lĩnh vực mang về nguồn thu chính cho Thaco

Cùng với đó, từ tháng 1/2021, ông Trần Bá Dương đã chính thức thay thế bầu Đức đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). 

Đại hội cổ đông bất thường của HAGL Agrico hồi đầu tháng 1/2021 đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 7.414 tỷ đồng, thông qua phát hành thêm 741.446.105 cổ phiếu cho THAGRICO với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đợt phát hành này, cơ cấu các nhóm cổ đông THACO Group và gia đình ông Trần Bá Dương là: 63,08%; HAGL Group là: 26,82%; các cổ đông khác là 10,1%.

Trong năm 2021, riêng HAGL Agrico sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến ước khoảng 1.900 tỷ đồng. Sản lượng trái cây năm 2021 dự kiến đạt 154.000 tấn và hơn 11.000 tấn mủ cao su. Doanh thu dự kiến năm 2021 là 2.109 tỷ đồng (trong đó doanh thu trái cây 1.766 tỷ đồng; mủ cao su 343 tỷ đồng).

THÔNG TIN VỂ VIỆC THACO HỦY ĐĂNG KÝ CÔNG TY ĐẠI CHÚNG

Ông Nguyễn Một Giám đốc truyền thông THACO cho biết: Ngày 14/05/2021, UBCKNN thông báo hủy tư cách công ty đại chúng đối với Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) do từ ngày 01/01/2021, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn đã có hiệu lực thi hành: Công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ với cơ cấu cổ đông.    

Tại thời điểm ngày 03/03/2021 (do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam – CN TPHCM xác nhận) thì THACO không đáp ứng điều kiện vì 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ chưa tới 3%  nên THACO đã phải thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng. Sau 01 năm, UBCKNN sẽ xem xét hủy tư cách công ty đại chúng trên cơ sở báo cáo của công ty. Trong thời gian này, THACO vẫn thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công ty đại chúng cho đến thời điểm nhận được thông báo hủy công ty đại chúng theo quy định. Đồng thời, THACO vẫn duy trì cung cấp cho cổ đông đầy đủ các thông tin. Công ty sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 trong tháng 5 này để thông qua các Báo cáo tài chính, Nghị quyết của Đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh 2020, kế hoạch 2021, chiến lược phát triển trong thời gian tới và công tác quản trị điều hành.

Nguồn: [Link nguồn]

Đặt mục tiêu lãi 2.500 tỷ đồng, đại gia cho thuê mặt bằng lớn nhất cả nước sở hữu những gì?

Dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đại gia cho thuê mặt bằng lớn nhất cả nước Vincom Retail trong hệ sinh thái...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN