Tất cả đều sai: Logo Xiaomi không hề phí tiền, cũng chẳng phải trò PR?
Nhiều ý kiến cho rằng logo của Xiaomi là phí tiền hoặc là chiêu trò tạo dư luận, nhưng cả hai đều không phải.
Logo mới của Xiaomi tốn 300.000 USD nhưng không có nhiều thay đổi.
Tranh cãi logo Xiaomi
Nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi đang bị chê bai trên mạng xã hội vì đã chi 300.000 USD cũng như mất 3 năm để thiết kế logo mới trông không khác gì logo cũ mà công ty đã sử dụng kể từ khi thành lập vào năm 2010.
“Tôi nghĩ giám đốc Lei Jun đã bị lừa,” một người dùng Weibo bình luận dưới bài đăng của Xiaomi về logo mới, thu hút hơn 4.000 lượt thích. "Tôi đề nghị Xiaomi gọi cảnh sát".
“Tôi có thể làm việc này với giá 20.000 nhân dân tệ”, một người dùng Weibo khác viết. "Hoặc 2.000".
Xiaomi từ chối bình luận về những ý kiến trái chiều. Trong khi Giám đốc điều hành Lei thừa nhận tại sự kiện ra mắt rằng, công chúng có thể nhận thấy logo mới không mấy ấn tượng.
“Bạn có thất vọng về logo này không, vì chúng tôi chỉ làm cho logo ban đầu tròn hơn?”, ông hỏi khán giả. Tuy nhiên, Lei cho biết sự thay đổi này thể hiện sự nâng cấp “tinh thần và phẩm chất nội tại” của công ty.
Lei nói ông rất xúc động trước giải thích của nhà thiết kế nổi tiếng Kenya Hara, khi mô tả logo mới kết hợp “tư duy từ triết học phương Đông”.
Đã có những ý kiến cho rằng một công ty lớn như Xiaomi sẽ không đơn giản chỉ là chi hàng trăm nghìn USD cho một cái logo không có mấy sự khác biệt.
Có thể đây là chiêu marketing thương hiệu cao tay của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, khi logo mới nghiễm nhiên trở thành chủ đề tràn ngập mọi tiêu đề báo và mạng xã hội trong vài ngày qua.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Xiaomi có lẽ không nghĩ quá nhiều như thế, đơn giản đây chỉ là quyết định thay đổi logo đơn thuần của công ty và nó xứng đáng với số tiền lớn và khoảng thời gian dài như vậy.
Trên thực tế, câu chuyện các thương hiệu chi hàng triệu USD thay đổi logo mà trông vẫn như cũ không phải chuyện gì quá kinh ngạc.
Những thương hiệu lớn từng thay đổi logo
Logo mới của Celine chỉ đơn giản là bỏ dấu và đẩy chữ lại gần nhau.
Vào tháng 9/2018, hãng thời trang cao cấp của Pháp - Celine thông báo chính thức tung ra mẫu nhận diện thương hiệu mới.
Nhìn bằng mắt thường, có vẻ như thương hiệu này chỉ đơn giản là bỏ dấu chữ “e”, làm dày các ký tự và đẩy chúng lại gần nhau hơn (thuật ngữ trong ngành gọi là kerning). Thông báo của Celine nhấn mạnh rằng “logo mới được lấy cảm hứng trực tiếp từ phiên bản gốc, lịch sử tồn tại vào những năm 1960”.
Và cũng giống như trường hợp của Xiaomi, công chúng thực sự không thấy sự thay đổi “mạnh mẽ” nào trong logo như những gì hãng thời trang này hào hứng giới thiệu.
Nếu như logo mới của Xiaomi còn được bo tròn, thay đổi về đường nét, thì một số thương hiệu khác như Burberry, Berluti, Balenciaga… còn lười biếng hơn, khi tất cả những gì họ làm trên logo mới chỉ là nhấn tổ hợp phím Ctrl + B - in đậm phông chữ.
Xu hướng in đậm ký tự trên logo các nhãn hàng thời trang.
Phản ứng của cộng đồng mạng về những thay đổi trên là trái chiều, một số tán dương bước đi mới dũng cảm của thương hiệu trong bối cảnh hiện đại, trong khi những người khác cho rằng các hãng đã đánh mất bản sắc lịch sử từ những phông chữ và kiểu dáng trước đó.
Trong một thông báo về việc “tiết lộ hình ảnh đậm chất bản sắc” vào năm 2014, hãng thời trang cao cấp Loewe của Tây Ban Nha cũng khiến giới mộ điệu ngỡ ngàng với logo không khác gì một phiên bản thu nhỏ so với logo cũ.
Thế nhưng, thương hiệu xa xỉ này hết sức tự hào với logo mới, khi gọi đây là “sáng tạo, đương đại và tinh tế gợi lên quá khứ, hiện tại và tương lai của Loewe”.
Vì sao các hãng làm logo mới vẫn giống như cũ?
Logo mới của Loewe (phải).
Nếu được thiết kế và tiếp thị hiệu quả, logo đóng vai trò như một nguồn chỉ dẫn cho người tiêu dùng. Nó cũng cho phép người tiêu dùng đưa ra đánh giá nhanh về chất lượng mà họ có thể mong đợi từ hàng hóa và dịch vụ của thương hiệu đó.
Ví dụ, logo đó không chỉ cho biết một chiếc túi đến từ Louis Vuitton, nó còn cho thấy rằng chiếc túi đó cũng có chất lượng cao cấp, hình ảnh mà Louis Vuitton được biết đến.
Do đó, sự quen thuộc với thương hiệu (nhận diện logo của công ty) cho phép người tiêu dùng đưa ra các quyết định mua sắm theo bản năng mà đôi khi không cần suy nghĩ quá nhiều.
Do đó, khi các công ty nổi tiếng xây dựng và thay đổi thương hiệu - thông qua logo, bao bì hoặc các khía cạnh khác - luôn có xu hướng xây dựng một hình ảnh sâu đậm và dễ nhận diện.
Thay đổi logo là để phù hợp với thị trường, thậm chí đôi khi là đáp ứng nhu cầu nhỏ bé nhưng thực tế, như để tối ưu hóa trên trình duyệt web dành cho điện thoại, hay các màn hình trên thiết bị đeo tay, ô tô, như trường hợp của Google.
Trong trường hợp của Uber hay MasterCard, thay đổi logo chỉ đơn giản là vì các hãng này đã mở rộng các sản phẩm và dịch vụ kinh doanh.
Tóm lại, hầu hết những thay đổi về logo đều được sinh ra từ nhu cầu lớn hơn để tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn và thích ứng với cuộc sống hiện đại ngày nay, Dan Clarke, Giám đốc thiết kế của JP74, một công ty phát triển web có trụ sở tại Vương quốc Anh nêu quan điểm.
Logo của Barbie sau các năm.
“Ngày nay, chúng ta tiếp xúc với các thương hiệu nhiều hơn bao giờ hết và tôi nghĩ công chúng nói chung nhạy cảm hơn với thông điệp mà một thương hiệu có thể truyền tải. Do đó, có xu hướng chuyển sang các biểu tượng đơn giản, hợp lý và đỡ rườm rà”, Clarke nói.
Mặc dù có không ít người dùng hoài niệm về logo mang tính lịch sử của các thương hiệu lớn nhưng bản thân các công ty này luôn phải tuân thủ câu nói: “đổi mới hoặc chết”.
Cuộc sống thay đổi từng ngày, những xu hướng mới đè bẹp những làn sóng cũ, một thế hệ người trẻ mới nổi đang dần thay thế người dùng truyền thống của các nhãn hàng.
Vì vậy, tiếp cận người trẻ và đi theo xu hướng công nghệ hiện đại là yếu tố cốt lõi trong thiết kế logo mới. Các thương hiệu lớn có thể thu hút người dùng bằng hình ảnh truyền thống, nhưng các thế hệ mới thì không. Do đó, các logo mới phải có hình ảnh, đường nét gần gũi, trẻ trung và mang tính kỹ thuật số.
Thế nhưng, trong khi logo phải theo kịp các xu hướng hiện đại, điều quan trọng hơn nữa là phải đảm bảo bộ nhận diện vẫn nhất quán.
Như nhà thiết kế đồ họa và giám đốc nghệ thuật nổi tiếng Paul Rand, người chịu trách nhiệm về các logo của IBM, UPS, ABC và Enron, giải thích: “Quá nhiều thay đổi sẽ cướp đi ý nghĩa của một thương hiệu và những năm xây dựng một thương hiệu gắn kết, dễ nhận biết sẽ mất đi”.
Với suy nghĩ này, các thương hiệu phải nhận thức được sự cân bằng giữa những thay đổi mới và đặc trưng nhận dạng thương hiệu, đây là điều mà các công ty đã dành rất nhiều thời gian để phát triển trong tâm trí người tiêu dùng. Do đó, thiết kế lại một logo quen thuộc là một công việc đầy rủi ro.
Nguồn: [Link nguồn]
Wang Mei buộc phải từ chức tại công ty điện thoại di động và thiết bị Xiaomi sau khi mô tả khách hàng bằng một từ lóng...