Tập đoàn FLC kinh doanh ra sao sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt?
Kết quả kinh doanh của Tập đoàn FLC trượt dài cả về doanh thu và lợi nhuận ở quý đầu tiên sau khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng thị trường chứng khoán.
Tập đoàn FLC đã công bố báo cáo tài chính quý 2 và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022. Đây cũng là quý kinh doanh đầu tiên của FLC sau khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán vào tối ngày 29/3.
Theo số liệu được công bố, cả doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn FLC đều trượt dài. Cụ thể, trong quý 2/2022, FLC ghi nhận doanh thu giảm mạnh hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ chỉ còn gần 624 tỷ đồng.
Doanh thu giảm nhưng giá vốn bán hàng của FLC giảm mạnh hơn nên Tập đoàn này ghi nhận hơn 104 tỷ đồng lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Cùng kỳ, FLC ghi nhận lỗ tới 149 tỷ đồng.
Trong quý 2, doanh thu hoạt động tài chính của FLC giảm hơn 9 lần từ 604 tỷ đồng xuống chỉ còn 66 tỷ đồng.
Trong khi chi phí tài chính giảm gần 50 tỷ đồng so với cùng kỳ thì lỗ trong công ty liên doanh, liên kết của FLC tăng mạnh từ 6 tỷ đồng lên hơn 317 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng gần 14 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 110 tỷ đồng khiến FLC lỗ tới gần 638 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Trong khi cùng kỳ tập đoàn này báo lãi hơn 41 tỷ đồng.
Các khoản thu nhập khác và lợi nhuận khác đều giảm so với cùng kỳ khiến FLC ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm 636 tỷ đồng, cùng kỳ doanh nghiệp báo lãi hơn 47 tỷ đồng.
FLC lỗ ròng hơn 213 tỷ đồng mỗi tháng trong quý đầu tiên sau khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Tập đoàn FLC lỗ sau thuế quý 2/2022 lên tới hơn 640 tỷ đồng, cùng kỳ FLC lãi 21 tỷ đồng. Tương đương, mỗi tháng trong quý 2/2022, FLC ghi nhận lỗ ròng hơn 213 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm FLC ghi nhận doanh thu chỉ 1.709 tỷ đồng, chưa bằng 50% so với con số 4.239 tỷ đồng nửa đầu năm 2021.
Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2022 FLC ghi nhận lỗ tới 1.106 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi hơn 63 tỷ đồng. Tương đương, mỗi tháng FLC ghi nhận lỗ ròng hơn 184 tỷ đồng.
Dù ghi nhận lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên tổng tài sản của Tập đoàn FLC lại tăng hơn 2.500 tỷ đồng lên 36.300 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ phải trả của FLC cũng tăng tương ứng từ 24.065 tỷ đồng lên 27.570 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 19.147 tỷ đồng, tăng thêm hơn 3.195 tỷ đồng.
Nợ dài hạn của FLC tăng thêm hơn 300 tỷ đồng lên 8.423 tỷ đồng. Tuy nhiên, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của tập đoàn giảm mạnh 1.720 tỷ đồng chỉ còn hơn 2.450 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, Tập đoàn FLC đang có gần 300 tỷ đồng tiền tương đương tiền, tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, FLC có 235 tỷ đồng tiền mặt, gấp 2,7 lần cùng kỳ và các khoản tương đương tiền là 64,5 tỷ đồng. FLC cũng trích 135 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Theo công bố, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Thái Sâm và Ngân hàng TMCP Quốc dân - Chi nhánh Hà Nội là hai chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của FLC với dư nợ lần lượt là 621 tỷ đồng và 581 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng TPCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là chủ nợ dài hạn lớn nhất của FLC với dư nợ hơn 1.309 tỷ đồng.
Cùng với đó, FLC gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 29/7, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) công bố quyết định thôi giữ vị trí Tổng giám đốc đối với ông Đặng Tất Thắng từ ngày 27/7 và bổ nhiệm Tổng...