Tân Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam xuất thân thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Chủ tịch mới thay thế vị trí ông Dương Quang Thành để lại khi chính thức nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/5.

Theo đó, ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành quyết định số 868/QĐ-TTg quyết định điều động, bổ nhiệm ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương - giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trước khi ông An được Thủ tướng điều động về làm Chủ tịch EVN, vị trí này chưa có người đảm trách do ông Dương Quang Thành nghỉ hưu theo chế độ từ 1/5. Thời gian qua, ông Đặng Huy Cường, thành viên HĐTV EVN, được giao phụ trách tập đoàn từ đầu tháng 5 đến nay.

Theo giới thiệu ông Đặng Hoàng An sinh ngày 16/10/1965, quê quán Hiệp Hòa, Bắc Giang. Trước khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đặng Hoàng An đã trải qua nhiều vị trí công tác và đảm nhận các chức trách lãnh đạo quản lý trong ngành Điện lực (Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia từ 1993 đến 2004, Trưởng Ban Kỹ thuật lưới điện EVN từ 2004 đến 2006, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 từ 2006 đến 2007, Trưởng ban Kế hoạch EVN từ 2007 đến 2008, Phó Tổng Giám đốc EVN từ 2008 đến 2015 và Tổng Giám đốc EVN từ tháng 7/2015 đến 2018).

Ngày 21/5/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã trao quyết định bổ nhiệm ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ chức thứ trưởng bộ này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An được điều động, bổ nhiệm làm chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An được điều động, bổ nhiệm làm chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Trước khi ông Đặng Hoàng An được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mới đây EVN đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.

Theo đó, đến cuối năm, tổng tài sản của EVN và các công ty con là hơn 666.000 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với đầu năm. Trong đó, riêng các khoản tiền gửi ngân hàng ghi nhận hơn 100.000 tỷ đồng. So với năm trước, quy mô tiền gửi ngân hàng của EVN và các công ty con giảm hơn 30.000 tỷ đồng.

Giữ quy mô tiền gửi ngân hàng lớn giúp EVN ghi nhận khoản doanh thu tài chính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, giảm bớt phần nào áp lực lãi vay. Năm 2022, tập đoàn thu về hơn 3.700 tỷ đồng lãi tiền gửi, giảm nhẹ so với mức 4.300 tỷ của năm 2021.

Ở chiều ngược lại, các khoản nợ vay và thuê tài chính của EVN và các công ty con ghi nhận hơn 320.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2022. Quy mô nợ phải trả của tập đoàn là hơn 440.000 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm.

Về hoạt động kinh doanh chính, doanh thu thuần hợp nhất của EVN năm 2022 ghi nhận hơn 463.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm hơn 98%, còn lại là doanh thu bán sản phẩm và dịch vụ.

Tuy nhiên, giá vốn tăng cao, tới 17%, khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính của EVN giảm mạnh. Chỉ tiêu này ghi nhận hơn 10.500 tỷ đồng, giảm hơn 70% cùng kỳ.

Hoạt động tài chính cũng sụt giảm khi ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá thấp hơn 7.000 tỷ đồng so với năm trước. Sau khi trừ đi chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, EVN ghi nhận lỗ thuần hợp nhất từ kinh doanh hơn 19.500 tỷ đồng, trong khi năm trước tập đoàn này vẫn lãi thuần từ kinh doanh hơn 17.800 tỷ đồng. Kết quả tập đoàn này báo lỗ ròng hợp nhất năm 2022 hơn 20.700 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ vào giá điện lên tới 14.725,8 tỉ đồng.

Theo giải thích của Bộ Công Thương, EVN hiện là đơn vị mua duy nhất trên thị trường để bán lại cho khách hàng, giá điện đầu vào cao nhưng đầu ra do Nhà nước điều tiết, nên gây lỗ.

Nguồn: [Link nguồn]

Biệt thự, liền kề cắt lỗ vài tỷ đồng vẫn khó bán, nhà đầu tư mắc kẹt

Nhiều biệt thự, nhà liền kề có mức giá giảm sâu tới 30%, tương đương mức giảm từ vài tỷ đến gần chục tỷ đồng so với mức đỉnh thời gian qua nhưng cũng không dành cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN