Tài xế xe công nghệ thấp thỏm "tái hòa nhập" sau 2 tháng "treo xe"
Sau hơn 2 tháng “treo xe” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người làm nghề lái taxi và xe ôm công nghệ vui mừng trước thông tin mở lại vận tải hành khách trên toàn quốc từ ngày 1/10.
Anh Lương Đức Quyền, tài xế taxi công nghệ trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, là lao động chính trong nhà nhưng hơn 2 tháng qua, thực hiện quy định tạm dừng hoạt động đối với vận tải hành khách bằng taxi công nghệ nên anh phải nghỉ việc. Nguồn thu nhập bị mất đi trong khi tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày vẫn rất tốn kém nên gia đình anh gặp không ít khó khăn.
“Xe ô tô chạy taxi công nghệ này là tôi mua trả góp từ năm 2019. Mỗi tháng vẫn phải đóng 4,5 triệu đồng tiền trả góp cả gốc lẫn lãi. Tiền nhà trọ vẫn phải trả 2 triệu đồng/tháng. Vợ tôi lại mới sinh, chưa đi làm lại nên ngày nào tôi cũng ngóng nhanh chóng hết dịch để đi làm trở lại, lấy tiền trang trải cuộc sống”, anh Quyền nói.
Taxi sử dụng vách ngăn để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 khi hoạt động.
Xe “đắp chiếu” sau hơn 2 tháng nên khi nghe tin chuẩn bị được hoạt động trở lại, anh Quyền vội vàng ra xe để khởi động, kiểm tra xe của mình sau thời gian dài không di chuyển. Đồng thời, lau dọn, vệ sinh lại xe, trang bị đầy đủ vách ngăn, khẩu trang, nước sát khuẩn…
Là xe ôm kiêm shipper cho một hãng xe công nghệ tại Hà Nội, anh Hải Sơn (trú tại Đống Đa), cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hơn 2 tháng qua anh cũng phải nghỉ làm, thu nhập bằng 0. Tiền chi phí, sinh hoạt hàng ngày của 4 thành viên trong gia đình phụ thuộc hết vào tiền lương ít ỏi của vợ.
“Từ 21/9, bên tôi có một số anh em đã được đi làm trở lại nhưng số lượng rất hạn chế. Bản thân tôi mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhưng chưa nhận được thông báo của công ty nên vẫn “bó gối” ở nhà. Từ lúc biết được tin vận tải hành khách sắp được mở lại tôi vui lắm, sắp hết cảnh “treo niêu” rồi”, anh Sơn nói.
Tối ngày 30/09, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định 1740 về việc hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Với mục đích khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Cụ thể, Bộ GTVT phân các khu vực thành 4 cấp độ theo nguy cơ dịch bệnh, gồm cấp 1 là nguy cơ thấp (vùng xanh); cấp 2 nguy cơ trung bình (vàng), cấp 3 nguy cơ cao (cam), và cấp 4 nguy cơ rất cao (đỏ), được tính theo đơn vị cấp xã, hoặc khu phố. Sau khi phân vùng, hoạt động vận tải khách được triển khai theo từng cấp.
Hoạt động vận tải hành khách trên toàn quốc được mở lại từ ngày 1/10. (Ảnh minh họa).
Theo đó, tại địa phương có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2), các phương tiện giao thông hoạt động bình thường.
Tại địa phương nguy cơ cao (cấp 3), các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới 50% công suất.
Tại địa phương vùng đỏ (cấp 4), dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ có vách ngăn và thanh toán điện tử); phương tiện chở khách qua vùng đỏ không được dừng, đỗ.
Tuy nhiên, vùng đỏ vẫn cho phép đón/trả khách với hàng không và đường sắt, với điều kiện sân bay và nhà ga đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch, có vị trí luồng đón/trả khách riêng biệt; hành khách và nhân viên tổ bay, tổ tàu không được tiếp xúc với nhau.
Với đường bộ, xe khách nội tỉnh, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh quyết định tần suất khai thác theo nguy cơ dịch bệnh trên. Với xe khách liên tỉnh, UBND tỉnh 2 đầu tuyến quyết định tần suất khai thác theo nguyên tắc trên.
Với hành khách phải tuân thủ quy định 5K, khai báo y tế đầy đủ, đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin COVID-19 với thời gian 3 tuần, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không yêu cầu xét nghiệm với người đã tiêm đủ liều vắc-xin, hoặc khỏi bệnh COVID-19.
Quyết định 1740 có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/10/2021, áp dụng trên toàn quốc trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Nguồn: [Link nguồn]
“Ngủ đông” trong thời gian dài, nên ngay sau khi Hà Nội nới giãn cách hàng loạt các khu villa, resort có thông báo mở cửa...