Tại sao toàn bộ thành viên HĐQT Bamboo Airways xin từ nhiệm?
Sau khi công bố khoản lỗ kỷ lục hơn 17.600 tỷ đồng năm 2022, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tiếp tục gây bất ngờ khi cho biết toàn bộ thành viên HĐQT xin từ nhiệm.
Theo tài liệu chuẩn bị cho phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 được tổ chức ngày 21/6 tại Hà Nội, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã công bố báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2022.
Theo tài liệu này, trong năm 2022 vừa qua, doanh thu của hãng bay này đạt khoảng 11.732 tỷ đồng, tăng gần 3,3 lần so cùng kỳ. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới gía vốn nên Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2021 là âm 4.060 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm mạnh chỉ còn hơn 121 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng lên 1.406 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ.
Toàn bộ thành viên HĐQT Bamboo Airways xin từ nhiệm trước thềm Đại hội đồng cổ đông 2023
Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 12.750 tỷ đồng trong khi năm ngoái chỉ hơn 158 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là hãng bay trong năm qua đã trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỷ đồng và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí tài chính cũng tăng gấp 4,7 lần, tiêu tốn hơn 1.405 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Bamboo Airways lỗ sau thuế hơn 17.600 tỷ đồng trong năm 2022.
Do khoản lỗ lớn trong năm 2022 khiến Bamboo Airways lỗ luỹ kế gần 19.336 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 836 tỷ đồng. Tổng tài sản của Bamboo Airways tại ngày 31/12/2022 ở mức 18.008 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ hơn 85 tỷ đồng, giảm tới 92,4% so với hồi đầu năm gần 1.123 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Bamboo Airways thời điểm cuối năm 2022 ở mức 18.844 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay ở mức 10.623 tỷ đồng, tăng 5.830 tỷ đồng, chủ yếu là tăng các khoản nợ vay ngắn hạn.
Cùng với khoản lỗ kỷ lục trong năm 2022 dẫn đến âm vốn chủ sở hữu, Bamboo Airways cũng cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm của 5 thành viên HĐQT gồm các ông Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân. Đây cũng là toàn bộ thành viên trong HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 của hãng hàng không này.
Trong số 5 thành viên HĐQT từ nhiệm kể trên, ông Nguyễn Ngọc Trọng là lãnh đạo đã gắn bó với Bamboo Airways từ ngày đầu thành lập, cũng là Phó tổng giám đốc đầu tiên của Bamboo Airways từ năm 2018. Ông đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT Bamboo Airways từ tháng 4/2022.
Trong khi đó, ông Lê Thái Sâm là nhân sự nhận được nhiều sự chú ý khi cho Bamboo Airways vay tín chấp hơn 7.700 tỷ đồng. Trước đó, FLC đã công bố kế hoạch chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần BAV, tương đương 21,7% vốn nắm giữ tại Bamboo Airways, cho ông Lê Thái Sâm, đổi lại là hai bên sẽ thanh lý toàn bộ nghĩa vụ nợ. Hiện cá nhân ông Sâm đang sở hữu trực tiếp 243,7 triệu cổ phần BAV tại Bamboo Airways, tương ứng 12,53% vốn. Như vậy, gộp cả phần FLC dự kiến chuyển nhượng, ông Lê Thái Sâm có thể nắm giữ hơn 34% vốn hãng bay.
Để đảm bảo HĐQT hoạt động liên tục, hãng bay này cho biết sẽ trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chính thức 5 thành viên HĐQT kể trên tại phiên họp cổ đông thường niên sắp tới diễn ra ngày 21/6 tại Hà Nội. Sau đó, công ty sẽ bầu ra HĐQT mới nhiệm kỳ 2023-2028 với 7 thành viên.
Bên cạnh HĐQT, Bamboo Airways cũng dự kiến miễn nhiệm 3 thành viên Ban kiểm soát là ông Trần Anh Tuấn, Phạm Văn Phùng và Nguyễn Đăng Khoa. Doanh nghiệp sẽ bầu 3 thành viên để thay thế cho Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.
Hiện tại, danh sách ứng viên để bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới vẫn chưa được Bamboo Airways tiết lộ.
Với mục đích cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu các khoản nợ, nghĩa vụ khác, doanh nghiệp liên quan đến đại gia Bùi Thành Nhơn lên kế hoạch thu hơn 2.000 tỷ đồng...
Nguồn: [Link nguồn]