Sở hữu kho tiền hơn 33.000 tỷ đồng, đại gia vẫn lỗ kỷ lục

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sở hữu kho tiền hơn 33.000 tỷ đồng đem gửi ngân hàng nhưng đại gia này vẫn ghi nhận lỗ kỷ lục bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đơn vị quản lý và vận hành 21 sân bay trên cả nước cho thấy doanh nghiệp này vừa trải qua một quý kinh doanh khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động.

Theo đó, trong quý 3/2021, ACV ghi nhận doanh thu chỉ đạt 370 tỷ đồng, giảm mạnh tới giảm 74% so với cùng kỳ năm 2020. Mức giảm này tương đương với việc ACV thu về ít hơn gần 1.100 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh so với quý 3/2020.

Trong bối cảnh doanh thu giảm gần 4 lần kể trên, giá vốn hàng bán của ACV lại chỉ giảm 2% khi giá vốn bán hàng ghi nhận 1.374 tỷ đồng, điều này dẫn tới công ty phải đối mặt khoản lỗ gộp 1.004 tỷ đồng trong quý (trong khi cùng kỳ vẫn lãi gộp 41 tỷ đồng).

Quý 3/2021, ACV cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 7 tỷ đồng từ công ty liên kết, trong khi cùng kỳ năm 2020 khoản này ghi nhận lãi gần 37 tỷ đồng. Trong khi chi phí bán hàng không có nhiều biến động thì chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng cả trăm tỷ đồng so với cùng kỳ lên gần 286 tỷ đồng.

ACV được ví như “đại gia” trong ngành hàng không khi doanh nghiệp này đang có hơn 32.000 tỷ đồng đem gửi ngân hàng. Trong quý 3, ACV ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 464 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản tiền lãi này đã không thể cứu vãn kết quả kinh doanh quý này của ACV như những quý trước đó.

Ngành hàng không đóng băng bởi dịch Covid-19 trong quý 3/2021 khiến ACV ghi nhận khoản lỗ kỷ lục

Ngành hàng không đóng băng bởi dịch Covid-19 trong quý 3/2021 khiến ACV ghi nhận khoản lỗ kỷ lục

Theo đó, sau khi trừ các chi phí phát sinh, đơn vị quản lý 21 sân bay trên cả nước trong đó có cả Nội Bài và Tân Sơn Nhất báo lỗ trước thuế 883 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi dương 156 tỷ.

Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chi phí khác, ACV ghi nhận lỗ 856 tỷ đồng, tương đương mức giảm 718% do cùng kỳ. Đây là quý thứ 2 liên tiếp ACV ghi nhận đà giảm của chỉ tiêu lãi ròng và là quý thua lỗ đầu tiên trong năm 2021.

Đây cũng là quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp hạ tầng hàng không này. Trước đó, ACV cũng từng ghi nhận lỗ 356 tỷ đồng trong quý 2/2020 do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Theo giải trình của lãnh đạo công ty, doanh thu của ACV đã giảm mạnh trong quý vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19. Công ty mẹ - ACV và các đơn vị thành viên cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, trong khi vẫn phải có những chính sách hỗ trợ các hãng hàng không chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng giảm so với cùng kỳ năm 2020 do các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, ACV ghi nhận 3.798 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.

Dù đối mặt khoản lỗ kỷ lục trong quý 3/2021, nhưng nhờ 2 quý liền trước có lợi nhuận dương, ACV vẫn thu về 497 tỷ đồng lãi ròng sau 9 tháng, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2020.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của ACV là gần 55.400 tỷ, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, số giảm chủ yếu do công ty giảm lượng tiền vay tại các ngân hàng.

Hiện ACV vẫn duy trì lượng tiền gửi tại các ngân hàng với giá trị gần 33.000 tỷ. Trong nhiều năm trở lại đây, khoản tiền gửi lên tới gần 1,5 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá này đã mang về cho công ty hàng nghìn tỷ tiền lãi mỗi năm. Bên cạnh đó, đến ngày 30/9, ACV cũng đang sở hữu lượng tiền mặt và tương đương tiền lên tới 766 tỷ đồng, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm 2020.

ACV cũng đang có hơn 17.890 tỷ đồng nợ phải trả, giảm nhẹ so với con số 19.337 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, có hơn 3.728 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, số vay nợ thuê tài chính ngắn hạn chỉ gần 379 tỷ đồng. Nợ dài hạn của doanh nghiệp là 14.162 tỷ đồng, trong đó có 14.074 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Cũng theo báo cáo tài chính của ACV, khoản nợ xấu của doanh nghiệp này đã tăng mạnh từ 125 tỷ đồng (đầu năm) lên 700 tỷ đồng đến cuối tháng 9. Đây là các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng công ty đánh giá là khó có khả năng thu hồi.

Trong đó, số nợ xấu phát sinh với hãng hàng không Vietjet là lớn nhất với giá trị 286 tỷ đồng; tiếp đến là Pacific Airlines với 250 tỷ; Bamboo Airways là 115 tỷ; Air Mekong là 26 tỷ…

Với số nợ xấu gần 700 tỷ kể trên, ACV cũng đang phải trích 255 tỷ đồng dự phòng rủi ro.

Liên tục đại hạ giá tài sản đảm bảo, nợ xấu của BIDV thế nào?

Cùng với việc liên tục đại hạ giá tài sản đảm bảo để xử lý nợ, sau 9 tháng đầu năm BIDV ghi nhận nhóm nợ dưới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN