Sharp Việt Nam gửi đơn tố cáo Asanzo tới 5 Bộ

Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, vụ khiếu nại, tranh chấp nhãn hiệu Asanzo rất phức tạp. Bởi thế đến nay, vụ này vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam tại dây truyền lắp tivi

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam tại dây truyền lắp tivi

Cty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam do ông Masashi Kubo- Tổng giám đốc làm đại diện, vừa có đơn tố cáo (ngày 26/11/2019) gửi Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).

“Chúng tôi làm đơn này tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Asanzo, địa chỉ: lô 14/1 đường 2A, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh”, đơn tố cáo nêu.

Theo Sharp Việt Nam, họ có nhận được thông tin trong buổi họp báo ngày 17/9/2019, Asanzo công bố đang sở hữu công nghệ Nhật Bản, cũng như đang có quan hệ hợp tác với Sharp-Roxy (Hong Kong). Asanzo cũng đã công bố thư xác nhận của Sharp-Roxy về mối quan hệ hợp tác này.

Ngày 27/9, đại diện theo ủy quyền của Sharp đã làm việc với đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ- Cục Điều tra chống buôn lậu.

“Chúng tôi khẳng định thông tin mà Asanzo đưa ra là sai sự thật và tài liệu đưa ra là giả mạo bởi Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) trước đây có hợp tác cùng Cty điện tử Roxy tạo thành liên doanh Sharp-Roxy (Hong Kong). Tuy nhiên, ngày 25/9/2016, Tập đoàn Sharp đã kết thúc việc liên doanh với Cty điện tử Roxy. Sharp-Roxy đã trở thành công ty con 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Sharp.

Đến ngày 31/10/2016, Cty Sharp- Roxy đổi tên thành Cty TNHH Sharp Hong Kong. Do đó, Cty Sharp- Roxy đã không còn tồn tại kể từ ngày này. Như vậy, thư xác nhận của Cty Sharp- Roxy theo như công bố của Asanzo ngày 12/9/2019 là giả mạo”- Sharp Việt Nam khẳng định.

Sharp Việt Nam cũng nhấn mạnh, Asanzo đã có hành vi cố tình tạo ra tài liệu giả mạo (bao gồm thư xác nhận từ phía Sharp-Roxy) với mục đích đánh lừa người tiêu dùng và các cơ quan ngôn luận, rằng Asanzo vẫn đang có quan hệ hợp tác với Tập đoàn Sharp để người tiêu dùng và dư luận tin rằng hàng hóa và công nghệ của Asanzo có nguồn gốc từ Sharp.

"Hành vi của Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng quyền và lợi ích của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn Sharp"- đơn tố cáo của Sharp Việt Nam nêu rõ.

Trước đó, chia sẻ tại Diễn đàn thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam ngày 26/11, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, thời gian qua, cục đã phối hợp cùng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xử lý các vụ khiếu nại, tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp. Trong đó, vụ đăng ký nhãn hiệu ASANZO hay nhãn hiệu “ROYAL” của Công ty TNHH gạch men Hoàng Gia là những vụ việc vô cùng phức tạp. Bởi thế đến nay, vụ ASANZO vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Ngày 24/10, tại buổi làm việc với các bộ, ngành về nghi vấn giả mạo xuất xứ của Asanzo, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết bước đầu xác định Asanzo không có dây chuyền lắp ráp tivi hiện đại như quảng cáo, có dấu hiệu vi phạm về lừa dối khách hàng, giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và trốn thuế. 

Nguồn: [Link nguồn]

Vướng loạt cáo buộc, ông Tam ra mắt điện thoại giá rẻ “cộp mác” Asanzo

Dù đang vướng loạt cáo buộc, ông Nguyễn Văn Tam vẫn ra mắt điện thoại giá rẻ “cộp mác” Asanzo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN