Sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông: Cần đẩy nhanh tiến độ di dời các nhà máy khỏi nội đô

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, trên địa bàn 12 quận của thành phố có hơn 100 cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời, trong đó, có nhiều nhà máy có quy mô rất lớn. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ sở vẫn án binh bất động...

Bốn trong số rất nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động giữa khu đông dân cư dù thuộc diện phải di dời. Ảnh: PV

Bốn trong số rất nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động giữa khu đông dân cư dù thuộc diện phải di dời. Ảnh: PV

Người dân sống trong lo sợ

Sau vụ cháy tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, nhiều nhà dân xung quanh khu vực phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) đã phải đi khám bệnh nghi do nhiễm độc hoặc sơ tán đến nơi khác ở. Trước đó (4/2019), tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cũng xảy ra cháy nhà xưởng làm 8 người chết. Khu vực kho xưởng bị cháy nằm sâu trong khu dân cư, có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, gỗ, nên đám cháy lan nhanh, thiêu rụi cả 4 khu nhà xưởng. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, những cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư đô thị còn tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ, gây hậu quả khôn lường. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao đến nay vẫn tồn tại nhiều nhà máy, xí nghiệp giữa lòng nội đô, dù đã có chủ trương di dời?

Cụ thể, theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, Nhà máy Dệt kim của Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân ở số 524 phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) là một trong những cơ sở phải di dời khỏi nội đô theo danh sách đề xuất của Sở TN&MT Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay nhà máy này vẫn hoạt động sản xuất khiến người dân sinh sống tại khu vực bức xúc.

Tương tự là Công ty cổ phần thương mại Bia Hà Nội (Habeco Trading) nằm ở số 183 đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Theo tìm hiểu của PV, dù đã có kế hoạch di dời tuy nhiên hoạt động sản xuất vẫn diễn ra tại cơ sở này.

Tiếp đến là Công ty cổ phần Cao su Sao vàng có nhà máy nằm ở số 231 Nguyễn Trãi và Công ty thuốc lá Thăng Long có nhà máy nằm ở số 235 Nguyễn Trãi (cùng của quận Thanh Xuân). Qua ghi nhận, rất nhiều người dân phàn nàn về bầu không khí có mùi rất khó chịu do ảnh hưởng từ các nhà máy. Ngoài ra, họ còn lo lắng về vấn đề an toàn cháy nổ khi phải sống cạnh nhà máy sản xuất cao su, nhà máy sản xuất thuốc lá, bởi vụ cháy nhà máy Rạng Đông xảy ra rất gần khu vực này.

Bao giờ di dời?

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vào chiều 4/6 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung đặt câu hỏi, hiện nay việc di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành Hà Nội còn chậm, trách nhiệm của Bộ trưởng và của ngành về vấn đề này như thế nào?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, dạy nghề, y tế ra ngoài nội thành Hà Nội đã được quy định tại Luật Thủ đô, quy định tại quy hoạch chung của TP Hà Nội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Hà, việc thực hiện quyết định trên không chỉ có Bộ Xây dựng mà còn có trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành như UBND TP Hà Nội có trách nhiệm lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời ra ngoài nội thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy đã được phân bổ cụ thể trách nhiệm, song ông Hà thừa nhận, việc di dời các cơ sở trên hiện còn rất chậm. Mặc dù Hà Nội cũng đã bố trí một số khu vực, bố trí địa điểm, phê duyệt một số danh mục, tuy nhiên công tác thực hiện còn nhiều khó khăn.

Bàn về vấn đề trên, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm: Vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư đã được tính đến từ thời điểm xây dựng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Việc này nhằm giảm áp lực ô nhiễm môi trường đối với đô thị trung tâm cũng như bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học…

Theo ông Trần Ngọc Chính, chủ trương di dời nhà máy xí nghiệp đã được tính đến trong khi xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đơn cử như nhà máy sản xuất của Công ty Rạng Đông tại Hạ Đình sẽ phải di dời về KCN Quế Võ, Bắc Ninh, nhường đất cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn. Nhưng đến nay, Công ty Rạng Đông vẫn chưa di dời nhà máy, trong khi địa điểm nhà máy mới rộng 8ha ở KCN Quế Võ lại chưa được xây dựng...

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) cũng đặt câu hỏi về lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp mà TP Hà Nội đã có kế hoạch từ năm 2015. "Tại sao những cơ sở như Rạng Đông dù đã có trong kế hoạch di dời nhưng vẫn không làm, dẫn đến hậu quả như hiện nay?".

Tháng 10/2018, Sở TN&MT Hà Nội đã quan trắc nước thải tại một số nhà máy trong diện di dời cho thấy nhiều thông số ô nhiễm trong nước thải như: COD, TSS, asen… Hiện Hà Nội đã bố trí 450ha đất sạch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để di dời các cơ sở gây ô nhiễm. Danh mục, lộ trình di dời 186 cơ sở sản xuất trên địa bàn 12 quận cũng được xác định. Riêng đối với 26 cơ sở gây ô nhiễm, UBND thành phố sẽ thực hiện phương thức bắt buộc.

Gần 30kg thủy ngân bị phát tán sau vụ cháy, Rạng Đông bị ảnh hưởng như thế nào?

Thị trường chứng khoán ngày giao dịch cuối tuần tiếp tục xu hướng tiêu cực, ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm Phóng Viên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN