Ông lớn ngành nước giải khát kinh doanh lao dốc vì Covid-19
Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kết quả kinh doanh của những ông lớn ngành nước giải khát như Trà bí đao Wonderfarm hay Sá xị Chương Dương.
Báo cáo tài chính quý 3/2021 của Thực phẩm Quốc tế (IFS) chủ của thương hiệu Wonderfarm với: Trà bí đao, Nước yến, Nước giải khát,…và Kirin với các dòng sản phẩm: Ice+, Latte, Tea break… cho biết trong quý 3, công ty ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 231 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu mảng nước giải khát đặc biệt sụt giảm mạnh hơn 60%, xuống mức 205 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, IFS thu về 6,7 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 86% so với mức lãi 48,7 tỷ đồng của quý 3/2020.
Theo IFS, quý 3 năm nay tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khiến doanh thu giảm đáng kể. Tổng doanh thu giảm 37% so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi các hạn chế của đại dịch đối với hoạt động sản xuất và bán hàng.
Trong khi doanh thu giảm, việc bán sản phẩm còn phải gánh thêm chi phí phát sinh liên quan khiến giá thành bị đẩy lên cao.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt 933 tỷ doanh thu, giảm 8% và lợi nhuận sau thuế 128 tỷ đồng, vẫn tăng đáng kể so với mức 77,5 tỷ cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021 IFS đặt kế hoạch doanh thu 2.022 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 262 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 31% và 69% so với cùng kỳ thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, sau 9 tháng đầu năm, IFS mới thực hiện được 46% chỉ tiêu doanh thu và 49% mục tiêu lợi nhuận.
Đến ngày 30/9, IFS có gần 113 tỷ đồng nợ phải trả, giảm hơn 60 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn là chủ yếu với 109 tỷ đồng. Tổng cộng nguồn vốn doanh nghiệp đạt 1.178 tỷ đồng.
Nếu như chủ thương hiệu Trà bí đao Wonderfarm vẫn ghi nhận có lãi trong quý 3/2021 thì chủ thương hiệu Sá xị Chương Dương đã có quý kinh doanh lỗ kỷ lục.
Chủ thương hiệu Sá xị Chương Dương ghi nhận quý lỗ kỷ lục trong hoạt động kinh doanh
Cụ thể, trong quý 3, Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (SCD) doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng chưa đầy 4 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này chưa bằng 1/8 so với cùng kỳ năm 2020 và tương đương mỗi ngày SCD chỉ đạt doanh thu bình quân 44 triệu đồng.
Doanh thu thấp kỷ lục cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến Chương Dương lỗ gộp gần 7 tỷ trong quý 3. Số lỗ gộp này cùng với hơn chục tỷ đồng tiền chi phí bán hàng, quản lý và lãi vay… đã khiến nhà sản xuất nước giải khát này lỗ ròng hơn 18 tỷ đồng trong riêng quý 3 (trong khi cùng kỳ vẫn lãi 1,4 tỷ đồng).
Quý 3/2021 cũng trở thành quý mà SCD ghi nhận mức doanh thu thấp nhất trong hơn một thập niên gần đây. So với quý 2, tiền từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp trong quý 3 cũng đã giảm hơn 5 lần. Đây cũng là mức lỗ nặng nhất mà Chương Dương phải chịu trong một quý kinh doanh kể từ năm 2007 đến nay.
Khoản lỗ ròng trong 9 tháng vừa qua cũng trừ thẳng vào nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của Chương Dương, khiến chỉ số này giảm từ mức dương 4,2 tỷ hồi đầu năm xuống âm gần 30 tỷ đồng đến cuối tháng 9.
Năm nay, SCD dự kiến ghi nhận 295 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 5 tỷ đồng, tăng lần lượt 81% và 34% so với năm trước. Như vậy, sau 3/4 năm tài chính, Chương Dương mới hoàn thành gần 30% chỉ tiêu doanh thu và chưa ghi nhận bất kỳ đồng tiền lãi nào theo kế hoạch trong khi vẫn đang chìm trong thua lỗ.
Đến ngày 30/9, Công ty CP Nước giải khát Chương Dương ghi nhận hơn 197,6 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 27 tỷ đồng và hơn 170 tỷ đồng nợ dài hạn. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là hơn 164 tỷ đồng. Tổng cộng nguồn vốn của doanh nghiệp đạt 357 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng so với đầu năm.
Không chỉ tiến nhanh trong danh sách những tỷ phú USD tại Việt Nam, doanh nghiệp của doanh nhân quê Thanh Hóa tiếp tục báo lãi...
Nguồn: [Link nguồn]