Ông chủ Vodka Hà Nội ngập trong thua lỗ dù nắm nhiều "đất vàng"
Sở hữu thương hiệu nổi tiếng, có tuổi đời hơn 120 năm, nắm trong tay nhiều mảnh đất có vị trí đắc địa... nhưng chừng đó chưa đủ để giúp Halico thoát khỏi thua lỗ.
Halico - thương hiệu rượu đình đám một thời
Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) - tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội, được thành lập năm 1898 tại 94 Lò Đúc. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ.
Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, Halico từng bước lên đỉnh cao huy hoàng với doanh thu kỷ lục và được so sánh như một "thương hiệu thế kỷ" hay "thương hiệu vượt qua thời gian". Công ty này chính là ông chủ của hàng loạt nhãn hiệu như Lúa mới, Nếp mới, Vodka 94 Lò Đúc, Ba Kích Sealion... Đặc biệt, Vodka Hà Nội là một trong những sản phẩm "quốc dân", tạo nên thương hiệu cho Halico.
Halico sở hữu khu "đất vàng" 94 Lò Đúc, Hà Nội. (Ảnh: Hữu Thắng)
Giai đoạn 2008-2012 là lúc Halico đạt doanh thu tăng trưởng nhanh chóng, khẳng định vị trí số một trong ngành rượu của cả nước. Doanh thu và lợi nhuận năm 2008 đạt lần lượt khoảng 680 tỷ đồng và hơn 160 tỷ đồng, đến năm 2009 vọt lên gần 1.060 tỷ và 220 tỷ.
Halico khi ấy chiếm lĩnh phần lớn phân khúc rượu bình dân tại Việt Nam. Vodka Hà Nội trở thành đồ uống phủ sóng khắp các nhà hàng, quán ăn. Những năm 2011-2012, doanh thu của đơn vị đều vượt ngưỡng nghìn tỷ, lợi nhuận sau thuế trên 200 tỷ đồng. Với vị thế danh giá, Halico được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý.
Năm 2011, hãng sản xuất rượu hơn 120 năm tuổi tại Hà Nội là ký hợp đồng đối tác chiến lược với tập đoàn rượu lớn nhất thế giới Diageo (sở hữu nhiều thương hiệu rượu như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff).
Tập đoàn này thông qua công ty con Streetcar Investment Holding Pte. Ltd chi gần 2.000 tỷ đồng để nắm giữ 30% vốn cổ phần và nâng lên 45,57% sau đó. Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và một số cổ đông cá nhân. Như vậy, vốn hóa Halico xác định theo mức giá Diageo đặt mua vào khoảng 4.300 tỷ đồng (so với mức 240 tỷ đồng như hiện tại).
Sự hiện diện của hai "ông lớn" trong danh sách cổ đông được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới. Bởi sau giai đoạn thịnh vượng, thị phần Halico giảm đột ngột, nhiều thương hiệu nổi tiếng mất tích trên thị trường trước làn sóng xâm nhập của rượu ngoại. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại trái ngược với kỳ vọng.
Halico thua lỗ
Năm 2013, doanh thu của hãng sụt mạnh còn 640 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ còn 29 tỷ đồng. Cú trượt dài tiếp tục sang năm 2014 khi doanh thu công ty mẹ xuống còn 397 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 30 tỷ đồng.
Năm 2015, tình hình kinh doanh của Halico bắt đầu rơi vào khủng hoảng khi doanh thu đạt 453 tỷ đồng nhưng báo lỗ 21 tỷ đồng (lỗ từ hoạt động kinh doanh là 26 tỷ đồng). Đây cũng là lần đầu Halico báo lỗ và tăng dần những năm sau đó. Trong năm 2017, Halico lỗ gần 85 tỷ đồng, còn hai năm 2018 - 2019, lỗ lần lượt hơn 78 tỷ đồng và 65 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh từ năm 2017 - 2020 của Halico.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Halico năm 2020, sản lượng tiêu thụ rượu nội địa đạt 82% kế hoạch và giảm 26% so với 2019, sản lượng rượu xuất khẩu đạt 57% kế hoạch và giảm 37% so với 2019, sản lượng cồn tiêu thụ đạt 74% kế hoạch.
Do tình hình tiêu thụ gặp khó khăn nên doanh thu chỉ thực hiện 79% kế hoạch và giảm 24% so với 2019. Con số lỗ sau thuế là gần 31 tỷ đồng, thấp hơn năm 2019 (lỗ 65 tỷ đồng) là nhờ Công ty tiết giảm đáng kể các khoản chi phí. Đây là năm thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này rơi vào tình trạng thua lỗ.
Theo Halico, công ty kinh doanh khó khăn do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi và khắt khe hơn.
Trong bối cảnh đó, Nghị định 100 kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ sản phẩm bia rượu cũng góp phần khiến cho doanh thu giảm.
Kinh doanh thua lỗ nhưng Halico lại sở hữu nhiều "đất vàng" tại Hà Nội, đơn cử như khu đất tại 94 Lò Đúc, 28 Đồng Nhân, 238 Lĩnh Nam và khu đất rộng 150.000 m2 tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh dùng xây dựng Nhà máy sản xuất cồn. Ngoài ra, Halico còn có lô đất tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng sử dụng để xây dựng văn phòng và căn nhà ở Q.1, TP.HCM. Tổng diện tích đất đai Công ty đang quản lý sử dụng lên đến gần 234 nghìn m2.
Cổ phiếu HNR của Halico lên giao dịch trên sàn Upcom kể từ ngày 8/6/2018 với giá tham chiếu trong phiên đầu tiên là 31.900 đồng/cp. Cổ phiếu này hiện có giá 12.000 đồng và liên tục không có thanh khoản trên sàn chứng khoán.
Tân Mai Group khiến không ít người bất ngờ khi bị Cục Thuế Đồng Nai "bêu" tên vì nợ thuế 30 tỷ.
Nguồn: [Link nguồn]