Ông chủ siêu dự án Cocobay Đà Nẵng sắp khởi động lại có nguồn vốn thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước khi siêu dự án Cocobay Đà Nẵng sắp khởi động lại, doanh nghiệp do đại gia Nguyễn Đức Thành giữ vị trí Chủ tịch có sự biến động lớn về vốn điều lệ.

Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group), chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire phía tây đường Trường Sa, Đà Nẵng (còn được biết đến với tên gọi Cocobay) đã có báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng về việc dự án sẽ triển khai lại khoảng đầu tháng 5/2024.

Cụ thể, theo kế hoạch, tại phân khu HH6 gồm biệt thự đơn 2-3 tầng, Công ty Thành Đô dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2025. Phân khu HH8, gồm nhiều khối nhà ở liền kế, các khối này có thời gian dự kiến hoàn thành khác nhau, từ tháng 10/2024 đến tháng 1/2028.

Phân khu HH2 gồm tòa nhà thương mại căn hộ khách sạn và căn hộ chung cư cao cấp Cổ Cò 3, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6/2025. Phân khu HH1 gồm tòa nhà trung tâm thương mại khách sạn và căn hộ chung cư cao cấp Cocobay Tower vào tháng 1/2029; nhà xe vào tháng 3/2026.

Phân khu HH9 gồm biệt thự 3 tầng, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025; trường tiểu học, tháng 5/2026; trường trung học cơ sở, tháng 1/2027.

Empire Group của đại gia Nguyễn Đức Thành sắp khởi động lại siêu dự án Cocobay Đà Nẵng

Empire Group của đại gia Nguyễn Đức Thành sắp khởi động lại siêu dự án Cocobay Đà Nẵng

Trước khi công bố kế hoạch khởi động lại siêu dự án Cocobay Đà Nẵng, Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô do đại gia Nguyễn Đức Thành giữ vị trí Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp đã liên tục có sự biến động lớn về nguồn vốn điều lệ.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô được thành lập tháng 8/2002, thời điểm thay đổi vốn điều lệ tháng 6/2017, doanh nghiệp có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, 2 cổ đông sáng lập góp vốn gồm ông Nguyễn Đức Thành và con trai Nguyễn Thành Nam mỗi người góp 146,7 tỷ đồng, chiếm 48,9% vốn góp, cổ đông Bùi Việt Dũng và Nguyễn Duy Uẩn giảm tỷ lệ góp vốn xuống còn 0%. Đến tháng 8/2017, vị trí người đại diện theo pháp luật chuyển từ ông Nguyễn Đức Thành sang Tổng giám đốc Nguyễn Thành Nam, ông Nam sinh năm 1986.

Đến tháng 1/2018, Thành Đô tăng mạnh vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng. Ở lần thay đổi này, ông Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Đức Thành góp 308,07 tỷ đồng, tương đương mỗi cổ đông góp 48,9% vốn góp.

Đến tháng 8/2018, doanh nghiệp tiếp tục có sự thay đổi ở vị trí người đại diện theo pháp luật và vốn điều lệ. Ở lần thay đổi này, Chủ tịch Nguyễn Đức Thành trở lại vị trí người đại diện theo pháp luật của Thành Đô. Vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng tăng từ 630 tỷ đồng lên 930 tỷ đồng, nhưng ở lần thay đổi này cơ cấu cổ đông góp vốn không được tiết lộ. Tuy nhiên, ở lần công bố thông tin vào tháng 9/2018, cho thấy ông Nguyễn Thành Nam góp 474,3 tỷ đồng, tương đương 51% vốn góp và ông Nguyễn Đức Thành góp 435,24 tỷ đồng, tương đương 49% vốn góp.

Đến tháng 9/2019, Thành Đô tăng vốn điều lệ từ 1.030 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, nhưng cơ cấu cổ đông góp vốn không tiết lộ. Ở lần thay đổi vốn điều lệ mới nhất vào tháng 4/2022, Thành Đô giảm vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng xuống còn 1.256 tỷ đồng. Ở lần thay đổi này, cơ cấu góp vốn của các cổ đông cũng không được tiết lộ.

Ngoài vị trí Chủ tịch của Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, ông Thành đang giữ vị trí lãnh đạo ở một loạt doanh nghiệp khác. Trong đó, đại gia này từng giữ chức Chủ tịch của Công ty cổ phần Naman, doanh nghiệp được thành lập tháng 11/2014 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tại đây, ông Thành góp 75 tỷ đồng, ông Nguyễn Thành Nam góp 24 tỷ đồng và ông Nguyễn Duy Uẩn góp 1 tỷ đồng. Ở lần thay đổi thông tin vào tháng 7/2023, bà Trương Thị Hồng Nhung sinh năm 1976 giữ vị trí Tổng giám đốc thay ông Thành trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Thành cũng giữ vị trí Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Putaleng, doanh nghiệp được thành lập tháng 5/2016 với vốn điều lệ 126 tỷ đồng. Đại gia sinh năm 1956 cũng từng giữ vị trí Chủ tịch của Công ty TNHH một thành viên đầu tư và giao dịch Thành Đô Heisei, doanh nghiệp được thành lập tháng 5/2007. Tại thời điểm tháng 4/2018, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 5,5 tỷ đồng. Ở lần thay đổi thông tin doanh nghiệp vào tháng 4/2023, vị trí Chủ tịch và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chuyển từ ông Nguyễn Đức Thành sang bà Cao Minh Trúc sinh năm 1959.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Thành cũng từng là Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư Hòa Hải, doanh nghiệp này được thành lập tháng 4/2022 với vốn điều lệ gần 81 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Đức Thành góp 26,14 tỷ đồng, tương đương 32,276% vốn góp, cổ đông Nguyễn Thành Nam góp 28,252 tỷ đồng, tương đương 34,8% vốn góp và cổ đông Cao Minh Trúc góp 26,6 tỷ đồng, tương đương 32,844% vốn góp. Đến tháng 8/2023, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Hòa Hải. Ông Nguyễn Đức Thành vẫn là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đại gia này cũng được ủy quyền cho toàn bộ gần 81 tỷ đồng vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Dù lãi tiết kiệm liên tục giảm, “kho tiền” hơn 1 tỷ USD vẫn đóng góp lớn vào lợi nhuận của đại gia xăng dầu Petrolimex trong 3 tháng đầu năm 2024.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN