Ông chủ chuỗi GoGi, Vuvuzela có còn "hốt bạc" nhờ bia, thịt nướng?
"Cú đấm" Covid-19 khiến Golden Gate đối mặt với hàng loạt thách thức, nhiều nhà hàng treo biển đóng cửa, một số còn trụ lại thì đìu hiu, vắng khách.
Chị Vũ Kim Hiền (Đống Đa, Hà Nội) gọi điện đặt bàn tổ chức sinh nhật cho con ở Sumo Yakiniku cơ sở Huỳnh Thúc Kháng thì được nhân viên báo cơ sở này dừng hoạt động từ ngày 9/3. Nhân viên chuỗi thương hiệu Sumo Yakiniku cho biết, hiện Sumo Yakiniku chỉ còn 7 cửa hàng tại Hà Nội, trước đó cũng đóng cửa cơ sở Royal City.
Ông Minh - công nhân dọn dẹp ở Sumo Yakiniku cơ sở Huỳnh Thúc Kháng cho biết, nhà hàng này đóng cửa được hơn một tuần nay. "Chúng tôi tháo dỡ biển hiệu, thu dọn bàn ghế để trả lại mặt bằng", ông nói.
Theo khảo sát của PV Người Đưa Tin Pháp luật, ngoài thương hiệu Sumo Yakiniku cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, Vuvuzela cơ sở Hoàng Đạo Thuý cũng thông báo tạm ngưng hoạt động đến ngày 26/3 để nâng cấp dịch vụ.
Vuvuzela cơ sở Hoàng Đạo Thuý thông báo tạm ngưng hoạt động.
Cả 2 thương hiệu Sumo Yakiniku, Vuvuzela đều thuộc Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng vàng (Golden Gate). Không những vậy, Golden Gate còn nắm trong tay một loạt hệ thống nhà hàng đình đám như Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ, GoGi, Vuvuzela, isushi, Kpub, Hutong hay Manwah.
Golden Gate kinh doanh ra sao?
Với 12 năm kinh doanh theo mô hình chuỗi nhà hàng, Cổng vàng sở hữu hơn 20 thương hiệu, độ phủ gần 400 nhà hàng tại 45 tỉnh, thành.
Công ty này được thành lập năm 2008 với số vốn 32 tỷ đồng, sau khi mua Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Hoàng Thành. Cuối năm 2011, Golden Gate sở hữu 3 thương hiệu gồm Ashima, Kichi Kichi và Sumo BBQ.
Năm 2012, Golden Gate tạo cú đánh dấu ấn tượng khi đưa vào vận hành 5 thương hiệu mới, đặc biệt hồi sinh lại thương hiệu Vuvuzela tại TP.HCM.
Năm 2016, Công ty thành công trong việc mở rộng mạng lưới nhà hàng với tổng cộng 189 nhà hàng. Doanh thu tăng gần gấp đôi so với năm 2015, lên đến 2.627 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, Golden Gate sở hữu 17 thương hiệu với 227 nhà hàng trên toàn quốc. Đại diện hệ thống từng thừa nhận 4 mô hình tạo nên hơn một nửa nguồn thu cho Golden Gate là Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ và Vuvuzela. Doanh thu và lợi nhuận của "ông trùm" nhà hàng này tiếp tục tăng lần lượt 30% và 11% so với năm trước đó.
Sang đến năm 2018, Công ty sở hữu 18 thương hiệu với 300 nhà hàng trên toàn quốc. Ở các thành phố lớn, chuỗi nhà hàng ăn uống của Golden Gate hầu hết đặt tại những vị trí đắc địa, hoặc những trung tâm thương mại tầm cỡ. Doanh thu thuần năm 2018 đạt 3.971 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 269 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, các nhà hàng của Golden Gate thu về 11 tỷ đồng từ lẩu, bia tươi, thịt nướng.
Tình hình kinh doanh của Golden Gate từ năm 2016 - 2020.
Năm 2019, doanh thu thuần của Golden Gate là 4.780 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 376 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác, công ty báo lãi trước thuế 399 tỷ đồng.
Sau khi hạch toán chi phí thuế, lãi ròng của hệ thống nhà hàng này là 321 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp trong lịch sử.
Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp là 2.170 tỷ đồng, tăng thêm hơn 200 tỷ so với năm 2018. Tiền và các khoản tương đương tiền là 280 tỷ. Nợ phải trả là 950 tỷ. Tổng giá trị vay nợ ngắn hạn và dài hạn chiếm 378 tỷ đồng.
Một nhà hàng trong chuỗi thương hiệu Hutong của Golden Gate.
Trong năm 2019, công ty mở thêm 49 nhà hàng, nâng tổng số nhà hàng lên 356. Bên cạnh đó, Golden Gate tuyển dụng thêm hơn 2.700 nhân viên, nâng tổng số nhân sự lên 15.870 người.
Dù năm 2019 ghi dấu sự phát triển bằng những con số ấn tượng nhưng bước sang năm 2020, Golden Gate cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau 3 làn sóng Covid-19 nối tiếp nhau, "ông trùm" chuỗi nhà hàng nổi đình đám Việt Nam lao đao.
Lợi nhuận 2020 dự kiến sụt giảm hơn một nửa
Tháng 1/2020, các cửa hàng của Golden Gate ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu và lợi nhuận thuần tăng lần lượt 32% và 54% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do thuộc một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, Công ty bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn khi chứng kiến doanh thu sụt giảm nhanh chóng từ cuối tháng 2 và cao điểm nhất là toàn hệ thống đóng cửa từ cuối tháng 3 đến hầu hết tháng 4.
Đến tháng 7/2020, ban lãnh đạo Golden Gate trình cổ đông kế hoạch doanh thu 4.708 tỷ đồng năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn một nửa, còn 150 tỷ đồng. Đây cũng đánh dấu là năm tăng trưởng âm đầu tiên của chuỗi nhà hàng lẩu nướng, bia tươi.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Golden Gate.
Trong năm vừa rồi, HĐQT Golden Gate phê duyệt hàng loạt phương án vay vốn tại các ngân hàng, có thể kể đến như VietcomBank, VPBank, MBBank, VIB.
Đến nay, dù chưa công bố doanh thu và lợi nhuận chính thức năm 2020, nhưng những con số từ kết quả kinh doanh thực tế 5 tháng đầu năm phần nào vẽ nên bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh doanh của "ông trùm" chuỗi nhà hàng lẩu nướng đình đám ở Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, “đại gia” cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không đã phải bán thêm...