Từng là doanh nghiệp BĐS đầu ngành, nhưng những quyết định sai lầm trong kinh doanh khiến HAGL trải qua hơn một thập kỷ sóng gió, nhiều thời điểm đối diện nguy cơ phá sản khi tổng nợ lên tới gần 33.000 tỷ đồng. Tuy vậy, sau chục năm chìm trong nợ nần, HAGL của bầu Đức đang dần “hồi sinh” với hướng đi mới.
Thất bại trong nỗ lực vào giảng đường đại học, đại gia Đoàn Nguyên Đức bước chân vào thế giới kinh doanh từ thập niên 1990. Bắt đầu chỉ với một phần xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ, "bầu" Đức đã đưa HAGL trở thành một tập đoàn đa ngành với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cơ hội thực sự đến với Đoàn Nguyên Đức khi ông tình cờ quen một doanh nhân người Đài Loan qua tìm hiểu thị trường và đồng ý hợp tác đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật để mở rộng thị trường kinh doanh gỗ. Vào năm 1993, xí nghiệp Hoàng Anh Pleiku ra đời và chỉ sau vài năm hợp tác, bầu Đức đã chính thức sở hữu toàn bộ xí nghiệp cũng như quy trình sản xuất, quản lý của doanh nghiệp. Những năm sau đó sản phẩm gỗ của Hoàng Anh Pleiku được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Úc,...
“Con đường học vấn không mở ra với mình, thì mình nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, bầu Đức từng bộc bạch.
HAGL của bầu Đức đã trải qua hành trình hơn 3 thập kỷ thành lập và phát triển
Đến năm 2006, HAGL chuyển đổi mô hình trở thành công ty cổ phần với đa lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc, bóng đá. Trong giai đoạn này HAGL trở thành cái tên nổi tiếng trong giới kinh doanh và đầu tư khi là chủ đầu tư của các dự án bất động sản lớn ở TP HCM và Đà Nẵng, với những cái tên nổi bật như HAGL Lakeview Residence và Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center.
Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho môn thể thao vua, bầu Đức và HAGL đã đầu tư hơn 70 triệu USD vào việc thành lập Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG vào năm 2007. Với lứa cầu thủ nổi bật như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh - những người đã đóng góp đáng kể vào thành công của đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam trên các đấu trường quốc tế cũng đã giúp HAGL quảng bá hình ảnh trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn những năm sau đó.
Bầu Đức là một trong những người sở hữu máy bay riêng đầu tiên ở Việt Nam và cũng đầu tư lớn cho bóng đá
Cuối năm 2008, công ty bắt đầu niêm yết trên HoSE với mã HAG. Thời kỳ đó, với việc sở hữu hơn 55% số cổ phiếu HAG đang lưu hành, "bầu" Đức đã trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trước đó, đại gia phố Núi là người đầu tiên của Việt Nam sắm máy bay – phương tiện đi lại xa xỉ nhất vì mục đích cá nhân khi tậu chiếc máy bay hạng thương gia loại 12 chỗ, trị giá khoảng 7 triệu USD vào tháng 5/2008.
Trước năm 2012, phần lớn doanh thu và lợi nhuận của HAGL đến từ lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, sự suy thoái của thị trường này trong giai đoạn 2012-2015 đã khiến HAGL phải tìm kiếm cơ hội mới trong ngành nông nghiệp tại các quốc gia khác. Ban đầu, HAGL đặt cược vào các cây công nghiệp như mía đường, cao su, cọ dầu… với niềm tin rằng những sản phẩm này sẽ luôn có giá trị cao.
Cây cao su đã trở thành mũi nhọn chính trong chiến lược của HAGL, đến mức ông Đức tự tin tuyên bố: "Bán nhà cũng phải trồng cao su. Từ năm 2014, tôi sẽ có lợi nhuận 450 triệu USD mỗi năm”. Đến cuối năm 2012, HAGL đã trồng được 43.500 hecta, đạt 85% so với chỉ tiêu ban đầu.
Nhưng cây cao su có lẽ vẫn là một "niềm đau" với tập đoàn này. Thời điểm "bầu" Đức đổ cả tỷ USD vào trồng cao su ở Lào, Campuchia, giá vốn trồng cao su 1.400 USD/tấn, giá là 5.200 USD/tấn, được xem là mảng kinh doanh siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính", đến khi Hoàng Anh Gia Lai khai thác cao su thì giá giảm tới 80% xuống còn 1.100 USD/tấn, đẩy HAGL chìm vào khó khăn.
"Lúc bấy giờ nhiều người nói ông Đức không biết quản trị, không biết quản lý. Mình là kẻ thua, chỉ biết gục đầu xuống, lặn sâu không nói gì" - bầu Đức trải lòng về biến cố trong quá khứ.
HAGL phải bán phức hợp HAGL Myanmar Center để giải quyết nợ của doanh nghiệp
Từ một người có tiền nhiều đến mức định mua đội bóng Arsenal (Anh), ông Đoàn Nguyên Đức trở thành con nợ. Ông từng bộc bạch: “Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều”.
Thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của HAGL lên tới gần 33.000 tỷ đồng. Tưởng chừng như ngày phá sản đã đến gần thì vào năm 2016, Chính phủ đồng ý cho tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, giúp công ty thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Trang mới của HAGL và HAGL Agrico bắt đầu từ năm 2017 khi bầu Đức định hướng phát triển lĩnh vực trái cây. Đó là lý do những trang trại nông nghiệp quy mô rất lớn, cơ giới hóa hoàn toàn của bầu Đức cũng trải qua gần chục năm trồng - chặt, nuôi con này - bỏ con kia, bóc ngắn cắn dài để sinh tồn...
Bầu Đức cũng đã chuyển nhượng HAGL Agrico cho Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương
Trong cơn bĩ cực không lối thoát, bầu Đức đã viết một lá thư tay cho ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco), dù 2 doanh nhân lúc đó không hề thân thiết. Sau khi chuyển nhượng HAGL Agrico cho Thaco, đến tháng 10/2019, HAGL chuyển nhượng nốt toàn bộ cổ phần vốn điều lệ HAGL Land, đơn vị đầu tư phức hợp HAGL Myanmar Center cho Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (công ty con của Thaco). Với việc thoái hết vốn khỏi dự án HAGL Myanmar, "bầu" Đức chính thức "dứt tình" với lĩnh vực bất động sản, "cái nôi" làm nên tên tuổi HAGL.
‘…Nói thật, bất cứ vinh quang nào đi liền với nó là sự trả giá. Bao năm qua, chưa lúc nào tôi cho phép mình nghỉ ngơi và bê trễ công việc. Đôi khi, tôi than phiền rằng số tôi khổ khi chẳng có phút nghỉ ngơi cho riêng mình. Nói điều này để thấy có được thành công là tôi phải làm việc cực hơn rất nhiều những người khác…’ - bầu Đức từng chia sẻ.
Trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của HAGL năm 2021, khi trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: Năm 2008, HAGL là công ty bất động sản số một, nhưng mỗi người mỗi quyết sách, đến năm 2012 ông từ bỏ bất động sản để làm nông nghiệp. "Đến bây giờ tôi khẳng định tôi đã sai".
Báo cáo thường niên 2023 của HAGL
Dễ hiểu vì sao vị thuyền trưởng của HAGL thừa nhận bước đi sai của một thập kỷ trước. Bởi đúng vào thời điểm bầu Đức tái cấu trúc thì bước sang năm 2013-2014, thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục và nóng dần lên. Giai đoạn 2018- đến nay, khi "bầu" Đức rút hẳn khỏi bất động sản, hoạt động kinh doanh gặp nhiều thách thức. Oái oăm thay, giai đoạn này thị trường động sản lại bật tăng rất mạnh và "sốt giá" diễn ra nhiều nơi. Hay nói cách khác, HAGL "cắt" gần ở đáy để rồi lỡ mất "cơ hội vàng" trong chính ngành nghề từng là cốt lõi của doanh nghiệp.
Sau nhiều lần cắt bỏ các mảng kinh doanh chính như cao su, bất động sản, thủy điện, mía đường… cấu trúc doanh nghiệp của HAGL được tinh lọc và trở nên gọn nhẹ đáng kể. Trước đây, danh sách công ty con, công ty liên kết của HAGL lên tới hơn 50 đơn vị, đến cuối năm 2023 đã giảm mạnh, chỉ còn 13 công ty con và 1 công ty liên kết.
"Bây giờ, HAGL sẽ không làm bất động sản nữa, tôi khẳng định. Mình đã đi qua rồi không đi lại, vì rất nhiều đại gia bất động sản đã đi rồi, HAGL quay lại sẽ khó cạnh tranh" - bầu Đức chia sẻ tại Đại hội cổ đông 2021.
Trải qua gần một thập kỷ sống lay lắt, cổ phiếu đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết, HAGL đã tìm thấy lối thoát từ mô hình kinh doanh "2 cây, 1 con" bao gồm chuối, sầu riêng và heo. Sau những lần thử sai và điều chỉnh, HAGL đã bắt đầu gặt hái thành công rõ rệt. Năm 2021, HAGL báo lãi 128 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng của 2 năm 2019 và 2020.
Đáng chú ý, tổng nợ của HAGL từ đỉnh điểm hơn 35.000 tỷ đồng năm 2016 đã giảm về mức 14.225 tỷ đồng tại cuối năm 2023. Trong đó, nợ ngân hàng giảm tương ứng từ mức từ 28.000 tỷ đồng xuống còn hơn 7.869 tỷ đồng.
“HAGL đang có cấu trúc gọn gàng hơn trước rất nhiều, có thể đi rất nhanh”, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết trong một sự kiện vào tháng 11/2022. Trong năm 2023, khi hoạt động kinh doanh có tín hiệu khả quan trở lại, HAGL chính thức áp dụng khoán năng suất với chuối, sầu riêng và heo để tạo ra những nông dân tỉ phú. "Tôi muốn xe hơi phải đậu dài trước dãy chuồng heo; giám đốc có thể ngủ trong trại heo nhưng đi máy bay hạng nhất, xuống có xe sang đưa đón... Người trồng chuối, sầu riêng, nuôi heo có thể thu nhập bạc tỉ", bầu Đức tuyên bố không ngần ngại.
"Mấy chục năm qua, tôi đã cày trả nợ để khỏi bị chửi. Bây giờ đã có thể ăn ngon ngủ yên hơn trước rất nhiều rồi. Hoàng Anh là tên con gái tôi, tôi sẽ không bao giờ bỏ nó, sẽ tiếp tục chiến đấu nhưng cũng không có tham vọng mở rộng đa ngành, đa nghề như trước" - Ông Đoàn Nguyên Đức
Từ không có gì, đến nay HAGL đầu tư đến 7.000 ha cây chuối, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về diện tích, chiếm thị phần ở Hàn Quốc, Nhật Bản... Sau chuối, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển qua cây sầu riêng với diện tích trồng là 1.947 ha. Tập đoàn đến nay có 3 loại chủ lực trái cây là chuối, sầu riêng, bưởi. Ngoài ra, HAGL còn 10 cụm chuồng trại với hàng trăm ngàn con heo thịt, heo giống mang về cả trăm tỉ đồng mỗi tháng. Cơ ngơi đó vẫn tiếp tục được mở rộng mỗi năm bởi HAGL vẫn còn trong tay quỹ đất lớn.
Trải lòng về chuyện từng thất bại với nông nghiệp và cũng "sống lại" nhờ nông nghiệp, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai tóm gọn những thăng trầm bằng câu nói: "Từ giai đoạn đỉnh cao rồi xuống hố sâu, phát triển vực dậy cũng đều từ nông nghiệp. Đây là quá trình dài, phức tạp, không hề đơn giản".
Sau 5 năm tập trung xuất ngoại, đầu tháng 11/2024, HAGL quyết định đưa các sản phẩm nông sản trở lại chinh phục thị trường nội địa. Thị trường Việt Nam có 100 triệu dân, HAGL không phải là thương hiệu nhỏ, nhưng khi hỏi bán sản phẩm gì nổi bật ở sân nhà thì lại là… không có. "Mình có sản phẩm sạch và chất lượng. Tại sao không để người dân hưởng mà xuất khẩu hết", ông Đức trăn trở.
Nguồn: [Link nguồn]
-22/12/2024 09:12 AM (GMT+7)