Những siêu doanh nghiệp đăng ký vốn tỷ USD từng gây xôn xao dư luận

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Gây chú ý dư luận với số vốn lên tới cả tỷ USD, tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn loạt doanh nghiệp này đã tuyên bố dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình và giảm vốn điều lệ.

Những năm gần đây hàng loạt siêu doanh nghiệp với số vốn từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn tỷ đồng đã liên tục được các cá nhân lập ra gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, do các cổ đông không có đủ vốn góp, những siêu doanh nghiệp này đã lần lượt đóng cửa, giải thể hoặc buộc phải điều chỉnh vốn đăng ký ban đầu.

8X đăng ký góp gần 523.000 tỷ lập 2 “siêu doanh nghiệp”

Siêu doanh nghiệp nhận được sự chú ý nhất của dư luận cả nước thời gian qua là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng (hơn 21,5 tỷ USD), đặt trụ sở tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, TP HCM, được đăng ký thành lập vào cuối tháng 5/2021 do ba cổ đông cá nhân góp vốn.  

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh từng gây nhiều tranh cãi khi đăng ký góp hơn 520 nghìn tỷ đồng để thành lập 2 siêu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh từng gây nhiều tranh cãi khi đăng ký góp hơn 520 nghìn tỷ đồng để thành lập 2 siêu doanh nghiệp

Trong đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) là cổ đông lớn nhất, đăng ký góp 499.998 tỷ đồng, tương đương 99,996% vốn điều lệ. Ngoài ông Quốc Anh, hai cá nhân góp vốn khác là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện, mỗi người đăng ký góp 1 tỷ đồng, tương đương 0,002% vốn điều lệ.

Ngoài siêu doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 nghìn tỷ đồng, ba cá nhân này còn góp vốn vào một doanh nghiệp khác, là Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu (GAB Group). Công ty này đăng ký vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng, đặt trụ sở tại tầng 72, tòa nhà Landmark 81, TP HCM. Cấu trúc sở hữu cũng tương tự, khi ông Quốc Anh là cổ đông lớn nhất đăng ký góp 23.000 tỷ đồng (92%). Hai cổ đông Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện mỗi người đăng ký góp 1.000 tỷ đồng (4%).

Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2021, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) đã ký quyết định giải thể công ty.

"Lý do giải thể là các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu", thông báo giải thể viết.

Cùng với đó, GAB Group đăng ký vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng và cũng thông báo giải thể với lý do và thời điểm tương tự Auto Investment Group.

Dùng căn cước giả lập ''siêu doanh nghiệp'' 144.000 tỷ đồng

Vào tháng 1/2020, Hà Nội cũng ghi nhận một trường hợp doanh nghiệp đăng ký vốn cao đột biến. Theo đó, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) được đăng ký với vốn 144.000 tỷ đồng.

USC Interco đặt trụ sở chính tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ba cổ đông của USC Interco đều là cá nhân, với ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 57.600 tỷ, bà Kim Thị Phương và ông Trần Gia Phong mỗi người góp 43.200 tỷ đồng. Giám đốc công ty là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979. Trong đó, bà Kim Thị Phương được đăng ký chức danh kế toán trưởng.

Căn nhà của bà Kim Thị Phương được đăng ký là trụ sở của siêu doanh nghiệp với vốn 144.000 tỷ đồng

Căn nhà của bà Kim Thị Phương được đăng ký là trụ sở của siêu doanh nghiệp với vốn 144.000 tỷ đồng

Tuy nhiên, trong họp báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức ngày 7/5/2020, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết giấy phép thành lập của USC Interco - siêu doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng đã bị thu hồi.

Ông Tuấn nói, cơ quan công an đã xác định chủ Công ty Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) - doanh nghiệp có vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng dùng căn cước công dân giả để thành lập công ty.

Dự án vũ trụ tỷ USD của bầu Thụy giảm vốn hơn 24.000 tỷ đồng

Cuối năm 2021, bầu Thụy và Thaiholdings đã khiến giới đầu tư trong nước bất ngờ khi công bố thông tin thành lập công ty cổ phần Thaispace có vốn điều lệ 26.688 tỷ đồng, trụ sở đặt tại Phú Quốc, Kiên Giang nhằm thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, Việt Nam, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép.

Bầu Thụy cũng đã giảm mạnh vốn góp đăng ký tại Thaispace

Bầu Thụy cũng đã giảm mạnh vốn góp đăng ký tại Thaispace

Theo thông tin cơ cấu sở hữu được đưa ra, Bầu Thuỵ góp 75% vốn tương đương 20.016 tỷ đồng. Con gái ông là Nguyễn Ngọc Mỹ Anh (sinh năm 2001) làm Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của Thaispace, đồng thời rót gần 2.669 tỷ, tương ứng 10% vốn tại Thaispace.

Ngoài ra, con trai ông là Nguyễn Xuân Thái cũng nắm tỉ lệ vốn tương đương. Trong khi đó, giá trị góp vốn dự kiến của Thaiholdings là 1.334,4 tỷ đồng, tương ứng với 5% tổng mức vốn điều lệ còn lại.

Dù vậy, chỉ hơn một tháng sau đó, ái nữ của Bầu Thụy đã không còn là CEO cũng như người đại diện pháp luật của Thaispace. Gương mặt được thay vào vị trí này là ông Trịnh Văn Thiệm (sinh năm 1978).

Theo thông tin thay đổi đăng ký doanh nghiệp ngày 13/5, Thaispace đã chuyển đổi mô hình từ công ty cổ phần sang công ty TNHH với tên mới là Công ty TNHH Thaispace. Trong đăng ký mới, Thaispace chỉ còn 2 cổ đông là bầu Thụy và Thaiholdings.

Bên cạnh đó, số vốn điều lệ của Thaispace cũng giảm mạnh từ 26.688 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 2.275 tỷ đồng. Trong đó, bầu Thụy góp 1.888,6 tỷ đồng tương đương tỷ lệ 83,02% vốn điều lệ. Thaiholdings góp 386,363 tỷ đồng tương đương 16,98% vốn điều lệ.

Nguồn: [Link nguồn]

Ái nữ và thiếu gia nhà bầu Thụy rút lui, dự án vũ trụ tỷ đô giảm vốn điều lệ hơn 24.000 tỷ đồng

Cùng với sự rút lui của ái nữ và thiếu gia nhà bầu Thụy, dự án vũ trụ tỷ đô của đại gia Ninh Bình cũng đã giảm vốn điều lệ tới hơn 24.000 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN