Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận nửa đầu năm làm ăn ra sao?
Bức tranh khó khăn của kinh tế trong nửa đầu năm đã “ngấm” vào ngành ngân hàng khi kết quả kinh doanh quý 2 không quá sáng…
Ngày 19-7, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023.
Theo TPBank, 2023 được đánh giá là một năm khó khăn nên ngân hàng đã đưa ra những kế hoạch phát triển thận trọng ngay từ sớm. Và thực tế, kết quả kinh doanh nửa đầu năm chưa như kỳ vọng. Ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỉ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỉ đồng.
"Hoạt động kinh doanh của TPBank trong nửa đầu năm nay được đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cũng như nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20-6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 3,13%, thấp hơn rất nhiều so với nửa đầu năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%). Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu" – đại diện ngân hàng thông tin.
Các ngân hàng bắt đầu công bố lợi nhuận quý 2 và nửa đầu năm. Ảnh: Lam Giang
Điểm tích cực trong bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm là tỉ trọng thu nhập ngoài lãi có sự cải thiện tích cực khi tăng lên mức 28% trên tổng thu nhập. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 1.500 tỉ đồng tính đến ngày 30-6, tương đương tăng 26% so với cùng kỳ... Bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt 25%, TPBank đã tăng vốn điều lệ lên mức 22.016 tỉ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 39,19% cho cổ đông.
Trước đó, một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm.
Theo đó, trong quý 2 lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 880 tỉ đồng và lũy kế nửa đầu năm lợi nhuận trước thuế ở mức 2.446 tỉ đồng, giảm tới 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, LPBank cho biết ngân hàng vẫn hoàn thành 41% kế hoạch năm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.
Theo đại diện LPBank, hoạt động kinh doanh của ngân hàng nửa đầu năm đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cũng như nền kinh tế. Với việc các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2022, FED liên tục tăng lãi suất, kèm với đó là tình trạng đóng băng ở thị trường tài sản (đặc biệt là bất động sản) đã tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng trong nước.
Đến nay, mới có 2 ngân hàng chính thức công bố kết quả kinh doanh nhưng bức tranh không quá sáng sủa. Trước đó, một số công ty chứng khoán cũng dự báo lợi nhuận ngân hàng trong nửa đầu năm sẽ có sự phân hóa mạnh.
Bộ phận nghiên cứu (SSI Research) Công ty chứng khoán SSI ước tính kết quả kinh doanh của 32 doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết trong phạm vi nghiên cứu và trong những đơn vị ước tính có lợi nhuận tăng trưởng âm, có khá nhiều cái tên ngân hàng thương mại.
Cụ thể, trong nhóm các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dương ở quý 2 có tên các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, VietinBank, Vietcombank hay HDBank, MB Bank... Nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận không quá cao so với cùng kỳ hoặc thậm chí đi ngang.
Ở góc độ ngược lại, ước tính của công ty chứng khoán SSI cho thấy thị trường đã xuất hiện những cái tên ngân hàng có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý 2 chỉ khoảng 4.400 - 4.700 tỉ đồng, giảm 4-10% so với cùng kỳ nhưng vẫn hoàn thành 48-50% kế hoạch của đại hội cổ đông đặt ra. ACB là ngân hàng có quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới nên chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất tiết kiệm thời gian gần đây khiến số lãi thu được từ 100 triệu đồng gửi tiết kiệm cũng biến động đáng kể.