Những lùm xùm tai tiếng của doanh nghiệp Việt ''tốn giấy mực'' nhất năm Tân Sửu 2021
Năm Tân Sửu 2021 khép lại nhưng hàng loạt câu chuyện của những doanh nghiệp Việt lập ''kỷ lục'' về tai tiếng thì vẫn chưa kết thúc. Dưới đây là những DN điển hình khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
''Siêu doanh nghiệp'' đăng ký vốn 500.000 tỷ… bằng công nghệ
Ngày 18/5, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư công nghệ tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) từng gây xôn xao cả nước với mức vốn điều lệ đăng ký cao không tưởng, lên đến 500.000 tỷ đồng (21,7 tỷ USD).
Nguyễn Vũ Quốc Anh - CEO siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng
Công ty này có trụ sở thuê tại tầng 46, Tòa nhà Bitexco Financial Tower do Nguyễn Vũ Quốc Anh làm CEO.
Ngày 18/8 là hạn cuối cùng (sau 03 tháng) để Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư công nghệ tự động Toàn cầu góp số vốn 500 nghìn tỷ đồng với Sở KH-ĐT TP.HCM, tuy nhiên doanh nghiệp này không có động thái gì.
Sau đó, trong một lần livestream để nói về hoạt động của doanh nghiệp mình sau thời gian chuẩn bị, CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh cho rằng công ty sẽ góp vốn bằng công nghệ chứ không chỉ góp vốn bằng tiền.
“Chúng tôi không chỉ góp vốn bằng tiền mà sẽ góp vốn bằng công nghệ. Hiện tại, bên tôi phát triển 1,4-1,6 triệu khách hàng, chủ yếu giúp doanh nghiệp chuyển đổi số”, vị CEO này nói và cho biết theo luật thì cho phép doanh nghiệp góp vốn bằng tiền hoặc công nghệ, bí quyết kỹ thuật.
Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết, vẫn chưa ghi nhận thông tin nào về việc doanh nghiệp này đã góp đủ vốn điều lệ và đã có văn bản gửi đến công ty này về việc yêu cầu góp vốn theo quy định.
Sau đó 6 tháng, ngày 31/12 vừa qua ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đã ký quyết định giải thể doanh nghiệp của mình. "Lý do giải thể là các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu", thông báo giải thể viết.
Tân Hoàng Minh hủy đấu giá lô đất tại KĐT Thủ Thiêm tới gần 2,5 tỷ đồng/m2
Ngày 10/12/2021 phiên đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm đã hoàn thành với kết quả khá bất ngờ.
Trong đó lô đất có ký hiệu 3-12 được Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng thầu với mức giá lên tới gần 2,5 tỷ đồng/m2, cao gấp 7 lần giá khởi điểm.
Lô đất 3-12 được Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng thầu với mức giá lên tới gần 2,5 tỷ đồng/m2
Sau trúng thầu, doanh nghiệp đã đặt cọc 588,4 tỷ đồng. 7 ngày sau đó, Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng TP HCM.
Tuy nhiên, sau đúng 01 tháng trúng thầu, ngày 10/1/2022, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh đã nộp đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.
Thông tin với báo chí, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm. Theo đó, ông Dũng bày tỏ chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Hành động này theo ông Dũng nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản. Bởi ông thừa nhận kết quả đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường. Đặc biệt là sau khi doanh nghiệp tiếp thu ý kiến, nhận định "đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường" của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Nâng khống giá kit test, Việt Á chi ''hoa hồng'' gần 800 tỷ đồng
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt khai nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45% và chi "hoa hồng" cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Công ty CP CN Việt Á Phan Quốc Việt khai nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên 45%
Qua điều tra, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, thừa nhận qua việc nâng khống giá, "lót tay", Việt Á đã "thu lợi trên 500 tỷ đồng".
Liên quan vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố 19 bị can, trong đó Phan Quốc Việt – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á cùng cùng nhiều bị can bị xử truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang phối hợp với các cơ quan liên quan mở rộng điều tra.
Ông Trịnh Văn Quyết lập kỷ lục bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC
Ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 đến 17/1. Mục đích được ông Quyết nêu là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC
Tuy nhiên, ông đã thực hiện bán "chui" gần 75 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Thông tin giao dịch bất ngờ đã khiến cổ phiếu FLC và các mã liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết bị bán tháo hàng loạt trong các phiên liên tiếp. FLC có thời điểm mất hết biên độ. Khối lượng giao dịch phá kỷ lục với 154,95 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. FLC trở thành mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong ngày lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường.
Trước sự việc trên, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định yêu cầu Trung tâm lưu ký phong toả các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11/1 đồng thời huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1. Các công ty chứng khoán cũng được yêu cầu dừng toàn bộ các giao dịch trên các tài khoản của ông Quyết từ ngày 11/1.
Sự việc khiến ông Trịnh Văn Quyết bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng vì vi phạm hành chính, đồng thời bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Năm 2021, Tập đoàn Masan đạt lợi nhuận sau thuế gần 9.000 tỉ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ, đồng thời đạt...
Nguồn: [Link nguồn]