Ngành thép Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao sau lệnh áp thuế 25% của Tổng thống Mỹ Donald Trump?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Mỹ là thị trường mang về doanh thu tỷ USD, các doanh nghiệp sản xuất nhôm, thép Việt Nam được đánh giá đối mặt những thách thức lớn khi Mỹ áp thuế 25% từ đầu tháng 3/2025.

Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu: Thị trường biến động mạnh

Theo văn bản vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký, từ ngày 4/3, thuế áp dụng với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ là 25%: "Chúng ta sẽ áp thuế nhập khẩu 25%, không có ngoại lệ, với toàn bộ nhôm thép. Việc này đồng nghĩa sẽ có nhiều doanh nghiệp đến Mỹ hoạt động", Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ngày 10/2, sau khi ký sắc lệnh áp thuế tại Phòng Bầu dục.  

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với nhôm thép nhập khẩu vào Mỹ áp dụng từ ngày 4/3.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với nhôm thép nhập khẩu vào Mỹ áp dụng từ ngày 4/3.

Ông Trump cam kết nỗ lực này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và mang nhiều việc làm về Mỹ, đồng thời cảnh báo mức thuế có thể được nâng lên cao hơn. Như vậy, thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% áp dụng từ năm 2018 lên 25%. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này. Ông Trump cũng bổ sung quy định mới, yêu cầu thép nhập khẩu phải được "nung chảy và đúc" tại Bắc Mỹ để hạn chế thép từ Trung Quốc vào Mỹ. Nhôm cũng vậy.

Mỹ áp thuế 25% với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào nước này từ ngày 4/3 tới trong bối cảnh ngành công nghiệp luyện nhôm của Mỹ khá nhỏ, chỉ chiếm 1,73% tổng công suất toàn cầu. Do đó, họ phụ thuộc đến một nửa sản lượng tiêu thụ hàng năm từ nhập khẩu. Nhà cung cấp chủ lực là Canada, với 3,2 triệu tấn vào 2024, gấp đôi 9 quốc gia tiếp theo cộng lại, mang về 9,5 tỷ USD.

Trong khi đó, Viện Sắt thép Mỹ (AISI) cho biết 23% tổng lượng thép được sử dụng tại Mỹ năm qua có nguồn gốc nước ngoài, đạt 28,8 triệu tấn, tăng 2,5% so với 2023. Nguyên liệu này rất quan trọng đối với các ngành hàng không vũ trụ, ôtô và năng lượng, từ các dự án khoan dầu đến điện gió. Phần lớn thép Mỹ nhập khẩu đến từ Canada, Brazil và Mexico.

"Chúng tôi hoan nghênh tổng thống vì đã áp dụng mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và xóa bỏ các loại trừ, miễn trừ và hạn ngạch dựa trên dữ liệu lỗi thời", Philip Bell, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thép của Mỹ cho biết.

Top 10 quốc gia xuất khẩu thép nhiều nhất vào Mỹ năm 2023 và 2024

Top 10 quốc gia xuất khẩu thép nhiều nhất vào Mỹ năm 2023 và 2024

Tuy nhiên, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ Australia Daniel Hynes cho rằng các nhà sản xuất Mỹ sẽ phải chịu phí đầu vào cao hơn do mức thuế 25% lên nhôm, thép. Bởi lẽ, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu của họ cao.

Theo Reuters, ngay sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, thị trường tài chính quốc tế lập tức phản ứng mạnh mẽ. Giá cổ phiếu của nhiều công ty thép lớn tại châu Á và châu Âu lao dốc trong ngày 10/2, phản ánh mối lo ngại về những tác động tiêu cực từ chính sách này.

Tại Hàn Quốc, cổ phiếu Hyundai Steel giảm 2,9%, trong khi các doanh nghiệp khác như Dongkuk Steel cũng chịu chung số phận. Thị trường Ấn Độ chứng kiến chỉ số ngành kim loại giảm 2,5%, đánh dấu một trong những phiên giao dịch ảm đạm nhất trong thời gian gần đây.

Canada là quốc gia xuất khẩu Thép vào Mỹ lớn nhất.

Canada là quốc gia xuất khẩu Thép vào Mỹ lớn nhất.

Không chỉ châu Á, thị trường chứng khoán châu Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cổ phiếu của các tập đoàn sản xuất thép lớn như ArcelorMittal (Luxembourg), Voestalpine (Áo), Thyssenkrupp (Đức) và Salzgitter (Đức) đều sụt giảm.

Bên cạnh chứng khoán, thị trường hàng hóa cũng chịu ảnh hưởng. Reuters cho biết giá các hợp đồng quặng sắt tương lai (nguyên liệu chính để sản xuất thép) đã giảm vào ngày 10/2 do lo ngại về thuế quan khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng, bất chấp dấu hiệu phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc - nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới. Ở chiều ngược lại, giá nhôm lại nhích nhẹ do lo ngại nguồn cung có thể bị thắt chặt.

Ngành nhôm, thép Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?

Mỹ chính thức áp dụng mức thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ nhôm, thép từ ngày 3/4 tới, điều này được đánh giá có thể tác động tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép của Việt Nam khi đây là một trong những thị trường mang về doanh thu lên đến cả tỷ USD.

Theo số liệu được Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) công bố, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 12,62 triệu tấn thép tăng 13,47% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 9,08 tỷ USD tăng 8,78% so với cùng kỳ năm 2023. 

Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 12,62 triệu tấn thép.

Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 12,62 triệu tấn thép.

Trong đó, thị trường Mỹ đứng thứ 4 trong Top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam với tỷ lệ chiếm 13%. Còn theo số liệu được Mỹ công bố, Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu thép nhiều nhất vào quốc gia này trong năm 2023 và 2024 sau Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc.

Chia sẻ với báo chí trong nước, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá việc Mỹ áp dụng bổ sung thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các nước xuất khẩu nhôm thép vào Mỹ trong thời gian tới. Đặc biệt, sau thời điểm năm 2018, nhiều quốc gia đã thay thế vị trí của Trung Quốc trong xuất khẩu các mặt hàng nhôm và thép sang Mỹ như Canada, Mexico, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Brazil.

Với Việt Nam, theo thống kê của hải quan Mỹ, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép. Một số sản phẩm thép xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ năm 2024 là thép mạ kẽm, thép mạ nhôm kẽm, thép phủ nhựa, thép hợp kim, thép không gỉ… Đối với sản phẩm nhôm, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường Mỹ.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ lớn

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ lớn

Hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018, một số sản phẩm được loại trừ trong danh mục của Mỹ. Trong khi đó, nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, xuất khẩu thép của một số quốc gia lớn như Canada, Mexico và Brazil đã được miễn trừ khỏi mức thuế này, tạo ra sự không công bằng trong môi trường cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu thép không được miễn trừ, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, năm 2025, khi ông Trump đánh thuế thép và không miễn trừ quốc gia nào thì không ảnh hưởng thêm tới Việt Nam. Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá khi các nước cùng bị áp thuế chung thì doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội cạnh tranh. Vì hiện sản phẩm nhôm, thép của Việt Nam được nhà nhập khẩu ưa chuộng vì chất lượng và giá thành sản phẩm. “Khi không còn sự phân biệt giữa các quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ, các công ty thép Việt Nam sẽ không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá từ các quốc gia thấp hơn như Canada, Mexico, Brazil" - ông Hưng thông tin.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Hoa Kỳ các vụ việc phòng vệ thương mại.Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.

Các doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Sau thông tin Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu được công bố, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ngay lập tức có phản ứng. Trong phiên giao dịch ngày 10/2, đồng loạt các cổ phiếu ngành thép và nhôm giảm mạnh. Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 4,69%, HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm 4,52%. Một số mã khác của ngành thép cũng giảm sâu, như SMC giảm 6,8%, TVN giảm 6,7%, TIS giảm 5,7%, TLH giảm 2,7%...

Cổ phiếu các doanh nghiệp thép Việt Nam giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/2 - Ảnh chụp màn hình

Cổ phiếu các doanh nghiệp thép Việt Nam giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/2 - Ảnh chụp màn hình

Nhận định về chủ đề này, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) - nói một số cổ phiếu có thể chịu ảnh hưởng như HPG (Hòa Phát), NKG (Nam Kim), HSG (Hoa Sen), GDA (Tôn Đông Á). Trong đó, những cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm tôn mạ bởi sản lượng xuất khẩu của nhóm này sang Mỹ rất lớn. Ví dụ, Tôn Đông Á xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 35%, Nam Kim chiếm khoảng 25%, Hoa Sen 15%. Riêng Hòa Phát chỉ dưới 5%.

Đánh giá về tác động của chính sách áp thuế của Mỹ lên một số cổ phiếu thép, báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ hàng rào thuế quan của Mỹ lên Hòa Phát khá thấp. Lý do là tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp này chỉ chiếm 30% tổng doanh thu, trong đó xuất sang Mỹ chiếm khoảng 5-10% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, doanh thu xuất khẩu thị trường Mỹ chiếm 1,5-3% tổng doanh thu của Hòa Phát.

Tuy nhiên, Hòa Phát có thể chịu tác động gián tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ ở mức trung bình. Lý do đến từ việc nếu Hoa Sen và Nam Kim - 2 doanh nghiệp tiêu thụ lượng lớn HRC (thép cuộn cán nóng) của Hòa Phát, đồng thời có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao - gặp khó khăn về thuế quan thì dẫn tới suy giảm nhu cầu mua HRC đầu vào.

Đối với sản phẩm tôn mạ, đơn vị này đánh giá Nam Kim chịu tác động lớn hơn Hòa Phát vì tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn (chiếm 40-60% doanh thu và thị trường Mỹ đứng thứ 3 sau châu Á, châu Âu). Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 40-50% tổng doanh thu của Hoa Sen và thị trường Mỹ chiếm khoảng 15-20% doanh thu xuất khẩu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 4/3. Chính sách này sẽ tác động lớn đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN