"Ngấm đòn" Covid-19, giám đốc doanh nghiệp phải bán bánh mì, nước sát khuẩn

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, hoặc tạm dừng kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp cũng phải chuyển hướng kinh doanh nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều chủ doanh nghiệp thậm chí chuyển qua bán bánh mì, phở, nước sát khuẩn,.... để chờ ngày trở lại.

Chủ doanh nghiệp và người lao động sống bằng nghề... tay trái

Từ khi dịch Covid-19 quay trở lại, nhiều doanh nghiệp tiếp tục thực hiện cắt giảm lao động, tinh gọn bộ máy để nỗ lực vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Chị Tú Bình, giám đốc một công ty du lịch lữ hành và phòng vé máy bay tại TP Hồ Chí Minh cho biết dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay đã có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của các nhân viên tại công ty.

Chị chia sẻ, những công ty về du lịch, lữ hành và phòng vé như mình bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 do lượng khách du lịch quốc tế không có, trong khi nhu cầu đi lại của người dân trong nước cũng giảm sâu so với mọi năm. Để vượt qua khó khăn trong đợt dịch đầu tiên, công ty đã phải cắt giảm bớt nhân viên, chuyển văn phòng về một địa chỉ mới có giá thuê mặt bằng rẻ hơn. Bản thân chị cũng trực tiếp làm các công việc như các nhân viên còn lại để tạo ra nguồn thu nhập cho doanh nghiệp.

Nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động đã nghĩ ra những công việc mới để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn

Nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động đã nghĩ ra những công việc mới để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn

Cũng như các công ty du lịch và lữ hành khác, chị Bình đã khấp khởi mừng khi nhu cầu du lịch của người dân trong nước dần hồi phục do dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt trong giai đoạn cuối tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, niềm vui của chị không kéo dài khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng trong tháng 7. Chị đánh giá khó khăn với ngành du lịch và lữ hành có thể kéo dài đến hết quý I/2021.  

Để vượt qua khó khăn, những tháng qua chị Bình chuyển sang bán bánh mì đường phố, tìm kiếm các đối tác để phát triển hệ thống cửa hàng bán nước sát khuẩn và mới đây nhất là cùng một số người bạn đầu tư để mở cửa hàng kinh doanh phở nhằm cải thiện nguồn thu nhập. Chị Bình cũng cho biết, nhiều nhân viên của mình phải bươn chải với nhiều nghề khác để kiếm sống, thậm chí những “nghề tay trái” của người lao động hiện nay đang là nguồn chính để mang lại thu nhập cho họ.

Là giám đốc một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại, cung ứng các dịch vụ cho các doanh nghiệp sản xuất ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, anh Minh Chiến cũng thừa nhận hai đợt dịch Covid-19 vừa qua đã gây ra những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp nói chung và các công ty, ngành nghề dịch vụ nói riêng. Tình hình hoạt động kinh doanh của công ty anh cũng không tránh khỏi những khó khăn đó.

Anh Chiến chia sẻ, thời gian qua tình hình sản xuất của các đối tác, khách hàng cũng bị đình trệ do hàng sản xuất ra không bán được. Do đó, nhu cầu về nguyên liệu, các sản phẩm tiêu hao phục vụ sản xuất cũng giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của công ty.

Để vượt qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, công ty anh đã chủ động tìm mọi cách để tiếp tục tồn tại trong điều kiện khó khăn. Anh đã tìm đến những mặt hàng, sản phẩm mà có thể kinh doanh được trong lúc dịch bệnh như các loại quần áo phòng dịch, khẩu trang, nước sát khuẩn,... Vị giám đốc trẻ thừa nhận những mặt hàng kinh doanh này chỉ có thể giúp mình cầm cự trong giai đoạn khó khăn, còn về lâu về dài, để những công ty thương mại có nguồn thu ổn định, phát triển thì các doanh nghiệp sản suất, đối tác, khách hàng phải hoạt động ổn định trở lại, các hoạt động luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa phải bình thường trở lại,...

Điều tra đột xuất đánh giá tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kết quả khảo sát ảnh hưởng của sóng Covid-19 lần thứ 2 tác động đến doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, có 20% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã phải tạm dừng hoạt động; 76% DN không cân đối được thu chi; 2% doanh nghiệp đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Khảo sát của Ban IV cho thấy, tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần hai đã khiến hơn 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm 33% số doanh nghiệp trả lời. Có 27% số doanh nghiệp trả lời duy trì lao động nhưng giảm lương và giảm giờ làm.

Đặc biệt, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không có khách hàng nên các doanh nghiệp siêu nhỏ/nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé thì phần lớn sa thải 100% lao động, đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% lao động, đối với các doanh nghiệp du lịch lớn thì mức trung bình đã sa thải cũng khoảng 40-50% lao động.

Cùng với đó, kết quả khảo sát Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 do Vietnam Report công bố cũng cho thấy triển vọng kinh doanh năm 2020 là rất khó khăn do tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Theo đó, có tới 60% doanh nghiệp cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, gần 15% trong số đó có doanh thu bị sụt giảm mạnh. Tương tự, tình hình lợi nhuận cũng không mấy khả quan khi có tới 54% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, đặc biệt trong số này có đến 31% doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng.

Chỉ có 54,1% doanh nghiệp tham gia phản hồi lạc quan với triển vọng tăng doanh thu và 49,1% lạc quan với khả năng sinh lời trong năm 2020, thấp hơn so kết quả khảo sát năm 2019 với 82% doanh nghiệp dự kiến doanh thu tăng và 79% doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng so với 2018.

Hiện Tổng cục Thống kê tiếp tục tiến hành cuộc Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lần thứ 2.

Mục đích của cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cũng như đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách của Chính phủ, các cấp, các ngành đối với doanh nghiệp trong thời gian qua. Thông qua đó, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương có các chính sách, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần 2.

Mãn nhãn với những du thuyền triệu đô của các đại gia Việt

Ngoài biệt thự, xe hơi, du thuyền sang trọng cũng là 1 trong những yếu tố thể hiện đẳng cấp của giới đại gia Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN