Muốn thành đối tác chiến lược của hãng Boeing: T&T Group của bầu Hiển có gì?
T&T Group của bầu Hiển tiến thêm một bước dài trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái hàng không theo mô hình quốc tế khi đại diện Boeing tại Việt Nam đã đồng ý về mặt nguyên tắc, T&T trở thành đối tác chiến lược của Boeing tại Việt Nam và Đông Nam Á.
T&T Group muốn trở thành đối tác chiến lược của Boeing
T&T Group đang là một trong những hệ sinh thái tư nhân lớn nhất hiện nay, với vốn điều lệ 22.000 tỷ đồng, tổng tài sản 45.000 tỷ đồng, có 500 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh liên kết, 80.000 cán bộ nhân viên, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 80 triệu USD.
Trong hành trình hơn 30 năm phát triển, qua các thương vụ đầu tư, M&A, T&T đã dần làm đầy hệ sinh thái của mình, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ tài chính và đầu tư; bất động sản; năng lượng và môi trường; công thương đến nông - lâm nghiệp và thủy sản; hạ tầng giao thông; y tế - giáo dục và thể thao.
Bầu Hiển cho biết T&T Group đã làm việc với đại diện Boeing tại Việt Nam để xúc tiến các cơ hội hợp tác và trở thành đối tác chiến lược
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp sáng 10/2 vừa qua, doanh nhân Đỗ Quang Hiển – Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết T&T Group vừa làm việc với đại diện Boeing tại Việt Nam để xúc tiến các cơ hội hợp tác và trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực hàng không. Theo đó, đại diện Boeing tại Việt Nam đã đồng ý về mặt nguyên tắc, T&T trở thành đối tác chiến lược của Boeing tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Theo Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group, T&T đang có chiến lược phát triển mô hình tập đoàn hàng không với sân bay Quảng Trị, hãng hàng không Vietravel Airlines, tổ hợp công nghiệp hàng không và đô thị sân bay đặt tại Quảng Trị.
"Trên thế giới hiện nay có một số hãng hàng không lớn của Mỹ, Trung Đông và Hà Lan đã phát triển thành công theo mô hình hệ sinh thái hàng không – tập đoàn hàng không. Hệ sinh thái này bao gồm cả hãng bay, công nghiệp, sân bay, dịch vụ, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, dịch vụ bay, dịch vụ sân bay mặt đất cũng như là tổ hợp đô thị sân bay", ông Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh.
Bầu Hiển có gì trong lĩnh vực hàng không?
Để thực hiện tham vọng xây dựng hệ sinh thái hàng không theo mô hình quốc tế, vào ngày 12/12/2024, T&T Airlines, T&T SuperPort (thành viên Tập đoàn T&T Group) và Quỹ BVIM đã trở thành cổ đông chiến lược mới của hãng hàng không du lịch Vietravel Airlines. Trong đó, T&T Airlines có thể coi là viên gạch đầu tiên của T&T Group trong chiến lược này. Do đây gần như là một doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ về hàng không.
Bước đi tiếp theo trong chiến lược hàng không của T&T Group là xây sân bay. Tháng 7/2024, dự án xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị có tổng đầu tư 5.800 tỷ đồng đã được liên danh nhà đầu tư T&T Group – Cienco 4 chính thức khởi công xây dựng. Theo kế hoạch, dự kiến Cảng hàng không Quảng Trị sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026.
Và Vietravel Airlines – hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam chính là mảnh ghép cuối cùng để T&T Group hoàn thiện hệ sinh thái hàng không, hướng tới xây dựng một tập đoàn hàng không theo các mô hình quốc tế.
T&T Group đã trở thành cổ đông chiến lược mới của hãng hàng không du lịch Vietravel Airlines
Ở một góc độ khác, việc bổ sung mảnh ghép Vietravel Airlines không chỉ hoàn thiện bức tranh hệ sinh thái hàng không của T&T Group, nó còn tác động tích cực khi hoàn thiện hệ thống logistics của T&T đã xây dựng. Trước đó, để triển khai chiến lược phát triển logistics đa phương thức, ứng dụng công nghệ cao theo xu hướng thế giới, T&T Group đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, từ cảng biển nước sâu Cảng Quảng Ninh, Trung tâm logistics thông minh Việt Nam SuperPort tại Vĩnh Phúc, cho đến Cảng hàng không Quảng Trị, Cụm Công nghiệp Nam Phúc Thọ (Hà Nội) và sắp tới đây là dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương ở Tây Nguyên. Một số dự án về cảng cạn, logistics ở khu vực phía Nam cũng đang được T&T nghiên cứu đầu tư.
Tại Hội nghị gặp gỡ 12 tập đoàn lớn của Thường trực Chính phủ vào ngày 21/9/2024, bầu Hiển đã tiết lộ một đề án mới của tập đoàn, đó là đề xuất đầu tư xây dựng một Tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay có quy mô khoảng 3.400 ha, đặt tại tỉnh Quảng Trị.
T&T Group của bầu Hiển đang là một trong những hệ sinh thái tư nhân lớn nhất hiện nay
Việc T&T Group đầu tư một hệ sinh thái hàng không đồng bộ, trong đó điểm nhấn là Tổ hợp công nghiệp hàng không - đô thị sân bay đặt tại tỉnh Quảng Trị cho thấy tầm nhìn chiến lược của bầu Hiển trước cơ hội đầy tiềm năng và nhiều dư địa phát triển của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, như bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, nghiên cứu, sản xuất chế tạo phụ tùng, máy móc hỗ trợ tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất tự chủ được khâu bảo dưỡng máy bay thông qua công ty con là VAECO. VAECO có 6 hangar tại 2 cơ sở ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Các hãng còn lại phải thuê hangar hoặc đưa máy bay ra các cơ sở nước ngoài để bảo dưỡng.
Trong khi đó, theo dự báo dịch vụ toàn cầu của Airbus, thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gấp đôi giá trị, từ mức 52 tỷ USD hiện nay lên 129 tỷ USD vào năm 2043. Đặc biệt, phân khúc bảo dưỡng máy bay sẽ đạt giá trị 109 tỷ USD.
T&T Group cũng ghi dấu ấn lớn trong lĩnh vực năng lượng
Cùng với đó, T&T Group của bầu Hiển cũng thể hiện tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năm 2020 - 2021, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành và quản lý các dự án điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đồng thời hợp tác với những tập đoàn năng lượng lớn của thế giới đầu tư các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đăk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
T&T Group cũng đang triển khai dự án điện gió tại Lào và sẽ xuất khẩu điện về Việt Nam từ cuối năm 2025
Tập đoàn cũng đạt được thỏa thuận từ Standard Chartered cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các dự án xanh triển khai tại Việt Nam. Đến nay, các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành hơn 1.000 MW.
Năm 2022, T&T Group khởi công xây dựng Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng. Sau khi vận hành, dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm và sẽ nộp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước mỗi năm.
T&T cũng đang đầu tư vào các dự án điện sinh khối, xử lý rác thải, điện rác... tại một số tỉnh. Tập đoàn cũng hợp tác với tập đoàn SK (Hàn Quốc), để đầu tư tổ hợp khí sản xuất hydrogen xanh và thu hồi khí thải carbon, đấy là thế mạnh của SK.
Trong lĩnh vực hạ tầng, hiện nay đường vành đai 4, tập đoàn của bầu Hiển cũng đang chờ thành phố Hà Nội hoàn tất thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư. T&T Group cũng đăng ký được trở thành một nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang tham gia vào một số dự án bất động sản lớn, công nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục và thể thao.
Cùng với khoản treo thưởng nóng 2 tỷ đồng, trước trận chung kết lượt về AFF Cup 2024 trên đất Thái Lan, bầu Hiển có quyết định lớn để tiếp sức cho ĐT...
Nguồn: [Link nguồn]
-14/02/2025 11:51 AM (GMT+7)