Muốn tăng vốn lên gần 28.500 tỷ đồng, Bamboo Airways ở đâu trên bản đồ hàng không Việt Nam?
Nếu tăng vốn thành công, Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam.
Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa có thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 10/4 nhằm thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, công ty muốn chào bán cổ phần riêng lẻ với quy mô phát hành dự kiến tối đa 35% vốn cổ phần sau phát hành.
Hiện, vốn điều lệ của Bamboo Airways đang ở mức 18.500 tỷ đồng. Ước tính, hãng hàng không này sẽ phát hành tối đa thêm 996,2 triệu cổ phần, huy động gần 10.000 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 28.462 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023. Số cổ phần sau phát hành sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Đợt phát hành này nhằm mục đích tái cơ cấu nợ, tăng vốn điều lệ bổ sung cho nhu cầu hoạt động và phát triển của công ty.
Bamboo Airways muốn tăng vốn lên gần 28.500 tỷ đồng
Nếu tăng vốn thành công, Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam.
Cụ thể, hiện tại Việt Nam đang có 4 hãng bay là Vietnam Airlines của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO); Vietjet Air của CTCP Hàng không VIETJET; Vietravel Airlines của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel và Bamboo Airways.
Trong đó, Vietnam Airlines hiện đang có vốn góp của chủ sở hữu lớn nhất là hơn 22.134 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh thua lỗ những năm qua khiến vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines hiện đang âm 10.199 tỷ đồng.
Với hãng hàng không Vietjet Air, doanh nghiệp này đang có vốn góp chủ sở hữu chỉ hơn 5.416 tỷ đồng nhưng nhờ các khoản lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư cổ phần giúp hãng bay này đang có vốn chủ sở hữu đạt hơn 14.241 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau hơn 2 năm cất cánh, hãng bay Vietravel Airlines đang sở hữu đội tàu bay 3 chiếc Airbus A321, với quy mô vốn 1.300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, hãng đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng vốn đầu tư dự án "Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam" tăng lên mức 7.642 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 6.900 tỷ so với hiện nay. Đến năm 2030, tổng vốn đầu tư dự án của Vietravel Airlines dự kiến đạt 8.252 tỷ đồng.
Ở một diễn biến liên quan, đại diện Bamboo Airways mới đây xác nhận hãng đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan Tập đoàn FLC.
Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra sáng 4/3 của Tập đoàn FLC, Ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT FLC, cũng cho biết công ty đã có kế hoạch chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại Bamboo Airways.
Theo vị lãnh đạo FLC, hiện tại, khoản đầu tư của tập đoàn vào hãng bay này là 4.015 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của Bamboo Airways.
Trong năm 2021, hãng bay này hoạt động kinh doanh không có lãi, nên FLC phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trên 373 tỷ đồng. Số trích lập này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 lên 3.642 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư khiến FLC phải trích lập dự phòng nhiều nhất tính đến cuối năm 2022.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với đà tăng của thị trường chứng khoán, khối tài sản của Thạc sĩ 50 tuổi này tăng thêm hàng trăm tỷ đồng để vượt mức 3.000 tỷ đồng.