Một DN thua lỗ hàng nghìn tỷ, Bộ Công thương đề xuất bán thanh lý tài sản trên đất thu hồi nợ
Nợ phải trả của dự án bột giấy Phương Nam đến cuối năm 2020 là hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là một trong 12 dự án thua lỗ, không thể khắc phục của Bộ Công Thương và đã dừng từ năm 2014, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Ngày 26/3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ, khảo sát thực tế dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An). Đây là dự án khó xử lý nhất trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, đã dừng từ năm 2014, chưa xử lý được nên gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam hiện không khả thi do không còn vùng nguyên liệu.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã dừng từ năm 2014, trải qua 3 lần đấu giá nhưng không thành công
Ba lần đấu giá tài sản dự án được Bộ Công Thương và các bên thực hiện nhưng không thành công do không có nhà đầu tư tham gia. Vì thế, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ này đề xuất phương án dừng dự án, bán thanh lý tài sản trên đất và đề nghị có cơ chế đặc thù để xử lý những tồn tại của dự án này.
Do tính khả thi thực hiện tiếp dự án không còn, tỉnh Long An đề xuất chuyển mục đích quyền sử dụng đất dự án để xây dựng Khu đô thị sinh thái gắn với công nghệ cao.
Với phương án xử lý Bộ Công Thương đưa ra, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, cho rằng Bộ này cần làm rõ các khoản nợ, giải pháp xử lý nợ, tài sản trên đất và các vấn đề liên quan tới đất đai. Tổng Công ty Giấy Việt Nam phải xây dựng phương án thanh lý tài sản, trong đó có các giải pháp cụ thể để xử lý các vấn đề liên quan.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định chấm dứt dự án. Về phía địa phương cần điều chỉnh quy hoạch, mục đích sử dụng đất dự án.
Đại diện Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) cho biết về kỹ thuật, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam là không thể khắc phục được vì dây chuyền sản xuất bột giấy từ cây đay là công nghệ "từ phòng thí nghiệm đi thẳng ra thực tế", nên không hoạt động được.
Giải pháp điều chỉnh tính năng, thay thế nguyên liệu cũng không khả thi, bởi cần bơm thêm 1.000 tỷ đồng để cải tạo công năng sản xuất. Mặt khác, sản phẩm làm ra (chủ yếu là giấy in báo) khó tiêu thụ.
Tổng công ty Giấy Việt Nam - chủ đầu tư dự án - cũng gặp khó khăn trong xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính. Dự án cũng đang bị các chủ nợ khởi kiện.
Trước thực tế này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương đề xuất phương án cuối cùng xử lý dứt điểm dự án trước ngày 15/4. Trong đó, Bộ này phải làm rõ các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, phân định rõ giữa tài sản và đất.
Ông lưu ý, việc xử lý dây chuyền, máy móc, trang thiết bị nếu không thể bán toàn bộ, có thể tính toán bán từng bộ phận. "Việc xử lý dự án phải đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng", Phó thủ tướng lưu ý.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong 12 dự án yếu kém, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý 8 dự án. Đối với 4 dự án còn lại (Bột Giấy Phương Nam; Thép Lào Cai; Thép Thái Nguyên, Đóng tàu Dung Quất) thì Dự án nhà máy giấy Phương Nam là khó khăn nhất.
Được biết, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, sau này được chuyển giao cho Vinapaco.
Dự án này được xây dựng với vốn đầu tư ban đầu gần 1.490 tỷ đồng và tăng lên hơn 3.409 tỷ đồng sau khi bàn giao về Vinapaco. Nợ phải trả của dự án bột giấy Phương Nam đến cuối năm 2020 là hơn 4.000 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.