Luật Điện lực (sửa đổi): Cơ hội thúc đẩy ngành điện khí LNG tại Việt Nam
Ngành Điện lực Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình quan trọng do đó những sửa đổi trong Luật điện lực đều mang ý nghĩa chiến lược dài hạn.
Trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi xanh và đảm bảo an ninh năng lượng, điện khí LNG đang trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của nguồn năng lượng sạch này, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, đó là chi phí cao và các yêu cầu đầu tư hạ tầng đặc thù. Các thông tin trên sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học phân tích trong Tọa đàm: Luật Điện lực (sửa đổi) và các tác động đến chiến lược phát triển năng lượng tại Việt Nam trên Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Chương trình được phát sóng chính vào khoảng 21h00 thứ Hai và phát lại vào khoảng 17h00 thứ Ba hàng tuần. Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) - Đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đủ điều kiện xuất, nhập khẩu LNG.
Tại sao giá thành điện khí LNG cao?
So với các nguồn điện khác, điện khí LNG đòi hỏi chi phí đầu tư và vận hành cao hơn. Trong đó, giá LNG – yếu tố chiếm tới 80% giá thành điện khí LNG – là một trong những nguyên nhân chính. Để sản xuất điện khí LNG, nguồn nguyên liệu này đòi hỏi phải nhập khẩu 100% từ các thị trường quốc tế. Do đó, giá LNG chịu ảnh hưởng mạnh mẻ từ những yếu tố như cung cầu toàn cầu, biến động giá dầu, chi phí vận chuyển và chi phí hạ tầng. Bên cạnh đó, hạ tầng kho bãi, lấy mẫu, và vận hành nhập LNG đòi hỏi đầu tư đặc thù. Tất cả những yếu tố này kéo theo giá thành điện khí LNG cao hơn so với nhiều loại nguồn điện khác như thủy điện hay điện than.
PV Gas và bài toán nhập khẩu LNG
Theo chia sẻ từ đại diện PV GAS, đơn vị tiên phong trong nhập khẩu LNG tại Việt Nam, hoạt động nhập khẩu LNG đang được triển khai đồng bộ và hiện đại. Quá trình này bao gồm việc đàm phán hợp đồng cung ứng, xây dựng kho chứa và đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn. Những yếu tố ảnh hưởng tới giá LNG bao gồm cung cầu thị trường quốc tế, giá dầu thô, chi phí logistics, và chính sách thuế. Trong bối cảnh biến động giá LNG gần đây, các nhà đầu tư cần một khung chính sách linh hoạt để đảm bảo tính cạnh tranh và bền vững. Tính chất đặc thù của LNG gây ra nhu cầu có cơ chế đặc thù trong đầu tư hạ tầng và kinh doanh. Chính sách đặc thù đề xuất bao gồm hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế và khung pháp lý rõ ràng, giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Điều này giúp đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Mặt bằng giá LNG so với thế giới
Theo quy định hiện nay, giá trần mua điện khí LNG tại Việt Nam đang xấp xỉ 2.600 đồng/kWh. Mức giá này thấp hơn so với nhiều quốc gia khác nhưng đã gây áp lực đáng kể cho các nhà đầu tư trong bối cảnh biến động chi phí đầu vào. So với thị trường quốc tế, đó là thực tế mà nước ta cần xử lý nhanh chóng với các điều chỉnh linh hoạt. Luật điện lực (sửa đổi) là cơ hội vàng để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy điện khí LNG phát triển. Nó không chỉ giải quyết bài toán năng lượng mà còn góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn: [Link nguồn]
-25/12/2024 09:53 AM (GMT+7)