Liên tục vay hàng nghìn tỷ đồng lãi suất cao, Becamex đang kinh doanh ra sao?
Để triển khai các dự án và tăng quy mô vốn hoạt động, doanh nghiệp này đã liên tục vay hàng nghìn tỷ đồng lãi suất cao thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP Becamex IDC (BCM) mới đây đã thông qua phương án phát hành trái phiếu lần 3/2021. Theo đó, Becamex dự kiến phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng mệnh giá tối đa 2.500 tỷ đồng. Đây là đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất của BCM kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Trước đó, BCM đã lên kế hoạch huy động 3.500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Đợt huy động đầu tiên đầu tiên vào tháng 3 với tổng giá trị huy động 2.000 tỷ đồng, trái phiếu có ngày đáo hạn vào ngày 25/3/2026. Đến tháng 5 Công ty tiếp tục huy động đợt hai với giá trị tối đa 1.500 tỷ đồng với kỳ hạn từ 1-5 năm.
Với kế hoạch tiếp tục "hút" thêm 2.500 tỷ qua kênh trái phiếu lần thứ 3, Becamex sẽ nâng tổng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu tính từ đầu năm 2021 lên 6.000 tỷ đồng.
Becamex IDC liên tục phát hành trái phiếu để “đảo nợ” ngân hàng và mở rộng hoạt động kinh doanh
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của BCM mới công bố cho thấy doanh thu tăng hơn 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập công bố trước đó lên 3.105 tỷ đồng. Mặc dù vậy, doanh thu của doanh nghiệp vẫn giảm mạnh so với con số 3.773 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2020.
Cùng với sự ghi nhận tăng về doanh thu, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng tăng từ 1.306 tỷ đồng ở báo cáo hợp nhất tự công bố lên thành 1.328 tỷ đồng ở báo cáo sau kiểm toán.
Trong kỳ BCM ghi nhận sự tăng mạnh trong doanh thu hoạt động tài chính, phần lãi trong các công ty liên kết, trong khi chi phí quản lý bán hàng cũng được kiểm soát đã giúp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh từ 755 tỷ đồng nửa đầu năm 2020 lên thành hơn 1.183 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2021.
Sau khi trừ các chi phí khác, BCM báo lãi sau thuế 988 tỷ đồng, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Đến ngày 30/6, BCM có tổng cộng nguồn vốn hơn 48.646 tỷ đồng, giảm nhẹ so với nguồn vốn hơn 49.039 tỷ đồng của nửa đầu năm 2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán cũng cho biết doanh nghiệp có hơn 31.947 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 65% với con số gần 20.927 tỷ đồng. Trong đó, nguyên khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 5.450 tỷ đồng.
Nợ dài hạn của tổng công ty tăng gần 12% so với hồi đầu năm, với hơn 11.000 tỷ đồng; trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn của doanh nghiệp cũng lên tới hơn 10.602 tỷ đồng.
Số lượng nhân viên đang làm việc tại các công ty trong tổng công ty này đã giảm 861 người trong nửa đầu năm, chỉ còn 3.545 người.
Theo công bố, ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Dương là chủ nợ ngân hàng ngắn hạn lớn nhất của doanh nghiệp với dư nợ vay hơn 3.518 tỷ đồng. BCM cũng vay của VCB chi nhánh Bình Dương số tiền hơn 14,5 tỷ đồng.
Về vay dài hạn, ngân hàng ACB là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp với hơn 1.532 tỷ đồng, ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Dương cho vay hơn 314 tỷ đồng, ngân hàng Công thương chi nhánh Đồng Nai cho vay hơn 211 tỷ đồng,…
Đến ngày 30/6, BCM có hơn 1.023 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn phải trả. Khoản phải trả ngân hàng MB chi nhánh Bình Dương hơn 335,3 tỷ đồng. Phải trả ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Dương gần 149 tỷ đồng. BCM cũng phải trả những doanh nghiệp bảo hiểm số tiền hơn 200 tỷ đồng,...
Bên cạnh việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu để “đảo nợ” và mở rộng hoạt động kinh doanh, mới đây, BCM tiếp tục thông qua việc ký kết hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng một phần dự án tại Khu tái định cư Hoà Lợi thuộc Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, phường Phú Hoà, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do IJC Becamex phát triển. Tổng diện tích chuyển nhượng 9.373m2 đất, tương đương tổng giá trị thu về vào khoảng 387,5 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản hạ nhiệt, trong lúc nhiều nhà đầu tư lo lắng, tháo chạy thì một bộ phận lại âm thầm rót...
Nguồn: [Link nguồn]