Lao đao vì Mỹ cáo buộc hối lộ, DN của tỷ phú giàu thứ 2 châu Á bốc hơi 33 tỷ USD

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tập đoàn Adani khẳng định các cáo buộc là "vô căn cứ" nhưng 10 công ty niêm yết của tập đoàn đã mất khoảng 33 tỷ USD giá trị thị trường kể từ khi bản cáo trạng được công bố.

Tập đoàn Adani, một trong những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, đang đứng trước khủng hoảng nghiêm trọng khi các nhà đầu tư và đối tác trên toàn cầu đánh giá lại mối quan hệ với tập đoàn này. Nguyên nhân xuất phát từ cáo buộc hối lộ và gian lận mà chính quyền Mỹ đã công bố vào tuần trước.

Các dự án và khoản đầu tư của Adani Group trên khắp thế giới trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt sau khi nhà sáng lập Gautam Adani bị truy tố về hành vi hối lộ và gian lận với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Tập đoàn Adani rung chuyển vì cáo buộc hối lộ, đối tác đồng loạt rút lui

Tập đoàn Adani rung chuyển vì cáo buộc hối lộ, đối tác đồng loạt rút lui

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính và uy tín

Leonard Law, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Lucro Analytics, nhận định với CNBC: “Bản cáo trạng từ Mỹ sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của Adani, đặc biệt trên thị trường quốc tế.” Fitch Ratings đã đưa một số trái phiếu đô la của Adani vào diện theo dõi hạ xếp hạng tín dụng, cảnh báo về rủi ro quản trị doanh nghiệp và nguy cơ suy giảm thanh khoản.

Thị trường chứng khoán cũng phản ứng tiêu cực. Cổ phiếu của các công ty con thuộc Adani Group lao dốc mạnh. Adani Enterprises giảm hơn 20%, Adani Green Energy mất 35%, Adani Power tụt 15%, và Adani Ports and Special Economic Zone giảm 11% kể từ khi thông báo truy tố được đưa ra.

Tập đoàn Adani khẳng định các cáo buộc là "vô căn cứ", tuy nhiên 10 công ty niêm yết của tập đoàn đã mất khoảng 33 tỷ USD giá trị thị trường kể từ khi bản cáo trạng được công bố. Trong số đó, Adani Green chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức giảm khoảng 9,7 tỷ USD.

Các đối tác quốc tế rời bỏ Adani

Bản cáo trạng còn gây ra làn sóng hủy bỏ hợp tác từ nhiều đối tác lớn. Tổng thống Kenya William Ruto đã chấm dứt các thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Adani về dự án sân bay và điện. Tập đoàn năng lượng Pháp TotalEnergies cũng đình chỉ đầu tư mới vào Adani, với lý do cần làm rõ các cáo buộc tham nhũng.

Ngoài ra, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đang đánh giá lại khoản vay 553 triệu USD dành cho dự án cảng ở Sri Lanka do Adani hậu thuẫn.

Tỷ phú giàu thứ 2 châu Á Gautam Adani cùng các cộng sự bị cáo buộc chi 265 triệu USD hối lộ quan chức Ấn Độ để đảm bảo hợp đồng năng lượng mặt trời, đồng thời lừa dối nhà đầu tư quốc tế về việc tuân thủ các quy định chống tham nhũng. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đã triệu tập Adani và người cháu Sagar Adani để điều tra thêm.

Tại Ấn Độ, sức ép từ dư luận và chính trường gia tăng khi lãnh đạo phe đối lập Rahul Gandhi kêu gọi bắt giữ Gautam Adani. Quốc hội Ấn Độ đã phải tạm dừng phiên họp do tranh cãi liên quan đến các cáo buộc. Cơ quan giám sát chứng khoán nước này cũng đang điều tra xem tập đoàn có che giấu thông tin từ Mỹ hay không.

Bên cạnh đó, một kiến nghị mới đã được trình lên Tòa án Tối cao Ấn Độ nhằm yêu cầu điều tra toàn diện vụ việc.

Suốt năm qua, Tập đoàn Adani đã nỗ lực đối phó với báo cáo chỉ trích từ Hindenburg Research, một công ty bán khống, trong đó cáo buộc tập đoàn này vi phạm tài chính và thao túng cổ phiếu. Tuy nhiên lần này, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi đối mặt với khủng hoảng niềm tin và áp lực pháp lý lớn từ cả trong lẫn ngoài nước. Với các cáo buộc nghiêm trọng từ Mỹ, tương lai của tập đoàn Ấn Độ khổng lồ này đang đối mặt nhiều thách thức chưa từng có.

Một trong những người giàu nhất thế giới đang bị điều tra về cáo buộc hối lộ và gian lận liên quan đến tập đoàn Adani Group, trong đó có kế hoạch xây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Tuấn (Theo CNBC) ([Tên nguồn])
Tin tức doanh nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN