Lãnh đạo bị kỷ luật, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
Kết quả kinh doanh của EVN không mấy khả quan trong năm 2023 khi dự kiến lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết EVN đã thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong kết luận thanh tra cung ứng điện. Các hình thức kỷ luật đã báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Về phía Bộ Công Thương, ông Tân cho biết đã tiến hành kiểm điểm các đơn vị có liên quan tại Bộ.
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết sau khi hoàn tất các thủ tục, hiện nay EVN đã đề xuất và đã ra Quyết định thi hành kỷ luật khiển trách một số lãnh đạo của EVN và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0).
Cùng với việc lãnh đạo bị kỷ luật do vi phạm cung ứng điện, kết quả kinh doanh của EVN cũng không mấy khả quan trong năm 2023. Theo báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế 8 tháng đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước doanh thu hợp nhất đạt 250.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến lỗ khoảng 37.062 tỷ đồng trong năm 2023
Dự kiến, lỗ phát sinh của EVN trong cả năm 2023 sẽ khoảng 37.062 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ năm 2022. Theo báo cáo kiểm toán năm 2022, số lỗ sau thuế hợp nhất năm ngoái của tập đoàn là 20.747 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi sau thuế 14.725 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của EVN cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm của EVN ghi nhận 229.880 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến tập đoàn này lỗ gộp gần 15,2 tỷ đồng, trong khi năm ngoái chỉ lỗ 4,2 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm trong khi chi phí lãi vay lại tăng mạnh, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng dẫn tới EVN báo lỗ từ hoạt động kinh doanh 27.683 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, thuế, EVN báo lỗ 29.107 tỷ đồng 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với số lỗ cùng kỳ năm ngoái 16.586 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu do đó giảm mạnh từ 225.000 tỷ đồng xuống còn hơn 194.000 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6 giảm nhẹ xuống còn gần 438.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của EVN đến giữa năm 2023 đạt 632.000 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 225.350 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 194.456 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2023.
Trước đó, trong năm 2022, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt 463.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán điện chiếm tới 98%, đạt trên 456.000 tỷ đồng. Do chi phí tài chính tăng mạnh doanh thu hoạt động tài chính giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng tương đương năm trước, EVN ghi nhận lỗ 19.515 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế là 20.747 tỷ đồng trong năm ngoái. Riêng công ty mẹ EVN lỗ sau thuế 22.256 tỷ đồng.
Trong năm 2022, khoản mục tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn mà EVN nắm giữ là 101.535 tỷ đồng. Khoản tiền gửi này đã mang về cho tập đoàn hơn 3.700 tỷ đồng tiền lãi. Trong 6 tháng đầu năm, khoản mục này EVN chỉ còn nắm giữ có giá trị 76.852 tỷ đồng, khoản tiền gửi này mang về cho Tập đoàn hơn 2.223 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù có mức giá lên tới cả trăm triệu đồng/m2, tuy nhiên phân khúc đất nền này vẫn đang được nhiều nhà đầu tư săn lùng bởi số lượng tung ra thị trường nhỏ giọt.