Lãi trăm tỷ đồng, “đại gia” vẫn bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Ghi nhận lãi hơn trăm tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021 nhưng doanh nghiệp này vẫn bị kiểm toán đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục.
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của CTCP Thép Pomina (POM) - “đại gia” có thâm niên về trong ngành thép khu vực phía Nam mới công bố cho thấy trong nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của POM giảm nhẹ 4% về mức 6.213,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức doanh thu này vẫn tăng gần 1.200 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp đạt 505 tỷ, cao gấp 3,67 lần nửa đầu 2020. Tuy nhiên, so với báo cáo doanh nghiệp tự lập và công bố trước đó, doanh thu trong báo cáo tài chính sau kiểm toán của POM ghi nhận giảm 270 tỷ đồng. Dù vậy, lãi gộp thay đổi không đáng kể khi giảm từ gần 507 tỷ đồng ở báo cáo tự lập còn 505 tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất sau kiểm toán.
Giải trình về kết quả kinh doanh tăng đột biến trong nửa đầu năm 2021, Pomina cho biết dự án lò cao kết hợp lò điện bắt đầu hoạt động từ tháng 12 năm ngoái đã giúp làm giảm giá thành sản xuất của công ty, gia tăng biên lãi gộp.
Ngoài ra, chi phí lãi vay giảm hơn 12% so với cùng kỳ (từ 210 tỷ còn 183 tỷ) cũng góp phần cải thiện kết quả kinh doanh.
Thép Pomina bị kiểm toán đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục dù lãi hơn trăm tỷ
Kết quả báo cáo tài chính sau kiểm toán của POM cho thấy lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng giảm 3,7% xuống còn 195,1 tỷ đồng. Dù bị giảm lợi nhuận trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán nhưng kết quả kinh doanh này cũng đã tăng ấn tượng với khoản lỗ gần 151 tỷ của 6 tháng đầu năm 2020.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Pomina tăng mạnh thêm hơn 2.154 tỷ đồng lên 13.328 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng gần 1.700 tỷ đồng lên mức 3.909 tỷ đồng.
Dù POM ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên đơn vị kiểm toán của doanh nghiệp vẫn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Pomina vì nợ phải trả ngắn hạn tại ngày 30/6 đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 350 tỷ đồng.
Theo đó, khả năng tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng hoạt động có lợi nhuận trong tương lai, sắp xếp dòng tiền cũng như sự tiếp tục hỗ trợ về mặt tài chính từ các ngân hàng.
Đây không phải lần đầu tiên POM bị đơn vị kiểm toán đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục. Trước đó, báo cáo soát xét nửa đầu năm 2020 và báo cáo kiểm toán cả năm 2020 đều nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Pomina cùng với lý do nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn.
Dù liên tục nhận cảnh báo từ đơn vị kiểm toán, nhưng đến ngày 30/6/2021, công ty vẫn chưa khắc phục được vấn đề này.
Theo số liệu công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, đến cuối tháng 6/2021, ngân hàng thương mại Cổ phẩn công thương Việt Nam là chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của POM với tổng số tiền vay hơn 1.858 tỷ đồng với lãi suất từ 6,2 đến 7%/năm. Ngân hàng BIDV cũng cho POM vay ngắn hạn số tiền hơn 948 tỷ đồng với lãi suất từ 6,2 đến 7,7%/năm, ngân hàng Tiên Phong cho doanh nghiệp vay ngắn hạn hơn 177 tỷ đồng,...
Về chủ nợ dài hạn, ngân hàng VCB là chủ nợ lớn nhất của POM với số tiền vay hơn 771 tỷ đồng với lãi suất lên tới 10,5%/năm. Cùng với đó, VCB cũng cho POM vay ngắn hạn số tiền hơn 349 tỷ đồng.
Trong năm 2021, thép Pomina lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 600 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, Công ty đã hoàn thành 51,5% mục tiêu doanh thu, nhưng mới hoàn thành 32,5% mục tiêu lợi nhuận năm.
Nguồn: [Link nguồn]
Thị trường bất động sản hạ nhiệt, trong lúc nhiều nhà đầu tư lo lắng, tháo chạy thì một bộ phận lại âm thầm rót...