Khách sỉ giảm đến 90%, chủ doanh nghiệp đi bán cá kho để “nuôi quân”
“Trải qua 3 đợt dịch, đợt thứ 4 khiến doanh nghiệp của tôi khá “chật vật” vì doanh thu khối bán sỉ giảm đến 90%. Để khắc phục khó khăn, chúng tôi quyết định bán cá kho để tăng doanh thu”.
Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Trường, Giám đốc một chuỗi siêu thị hải sản tại TP. Hồ Chí Minh về nỗ lực vượt qua đại dịch của doanh nghiệp mình.
Theo ông Trường, trước đây, hệ thống hải sản của ông chủ yếu là bán sỉ, cung cấp hải sản cho hơn 2.000 nhà hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc kinh doanh bị đình trệ, hàng loạt các cửa hàng đối tác phải đóng cửa, doanh thu bán sỉ giảm 90%.
Doanh thu sụt giảm, giám đốc chuỗi siêu thị mở bán món cá kho để thu hút khách hàng.
Khó khăn chồng chất, doanh thu giảm sút trầm trọng, để khắc phục khó khăn, đơn vị ông quyết định tập trung vào kênh bán lẻ và bán online qua hệ thống 8 siêu thị bán hải sản tươi sống và mang đi.
Nhờ đó, kênh bán lẻ đã tăng trưởng khoảng 50-60%. Lượng khách lẻ tăng gấp đôi so với bình thường nhưng lại tập trung vào các loại hải sản bình dân như tôm sú, ghẹ, cá chim, cá mú… nên chỉ mang lại nguồn thu khiêm tốn so với khách mua sỉ.
“Để tăng doanh thu và có chi phí “nuôi quân”, chúng tôi buộc phải tìm thêm sản phẩm mới như tôm hùm Tây Úc; tôm hùm Nam Úc,… nhưng vẫn khá chật vật. Vì vậy, chúng tôi lại tiếp tục triển khai chế biến và bán cá kho”, ông Trường nói.
Theo ông Trường, bên ông sử dụng cá chép ở hồ Trị An để kho cùng hơn 20 loại nguyên liệu gia vị.
Chia sẻ về món cá kho mới cung cấp ra thị trường, ông Trường cho biết, cá dùng để kho được bên ông chọn từ những con cá chép tươi sống, nặng từ 4-6kg, nuôi tại các lồng bè ở hồ Trị An (Đồng Nai). Cá được cắt khúc và chỉ lấy phần ngon nhất để kho cùng hơn 20 loại nguyên liệu gia vị trong 18-20 tiếng theo chuẩn công thức của đầu bếp 5 sao.
“Chỉ trong ngày đầu mở bán, chúng tôi đã bán ra được hơn 100 niêu cá có trọng lượng từ 500gr đến 1kg/niêu với giá là 299.000 đồng đến 499.000 đồng/niêu. Nếu thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục ra mắt nhiều sản phẩm chế biến sẵn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng như nước cốt lẩu, súp bào ngư… ”, ông Trường nói.
Việc bán cá kho không chỉ để đa dạng hóa sản phẩm, tăng doanh thu mà còn tạo việc làm cho người lao động.
Không chỉ mình doanh nghiệp của ông Trường mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng phải thay đổi để sống sót trong tình hình khó khăn như hiện tại. Bởi, đại dịch Covid-19 bùng phát làm đảo lộn mọi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp.
Rất nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm cự, cắt giảm chi phí tối đa hoặc giải thể. Hàng triệu người trên thế giới vì thế bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, thu nhập giảm sút.
Chỉ trong ngày mở bán đầu tiên, hơn 100 niêu cá kho đã được đặt hết.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020
Trong đó bao gồm: 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%.
Vì vậy, rất cần những doanh nghiệp thay đổi để thích nghi với tình hình mới, triển khai nhiều hướng kinh doanh mới, cải thiện doanh thu, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Nguồn: [Link nguồn]
“Covid-19 ập đến, hệ thống Homestay kết hợp dạy ngoại ngữ của tôi sập luôn, không giáo viên, không học sinh. Để có...