Hệ thống Vinmart làm ăn ra sao sau hơn 1 năm về tay Masan?
Sau khi hệ thống siêu thị Vinmart của Vingroup được chuyển nhượng về Masan, dù kết quả kinh doanh có cải thiện nhưng vẫn lỗ hơn 3.200 tỷ đồng năm 2020.
Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp VinCommerce (đơn vị vận hành hệ thống VinMart, VinMart+) vừa công bố các chỉ tiêu tài chính năm 2020. Theo đó, Công ty lỗ sau thuế 3.222 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 2.688 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ 4,75 lần.
Mức lỗ năm 2020 là con số lớn nhất của VinCommerce kể từ khi thành lập và năm đầu tiên được điều hành bởi Masan Group. Năm liền trước đó công ty này lỗ 524 tỷ đồng.
Hệ thống Vinmart sau 1 năm về tay Masan dù kết quả kinh doanh có cải thiện nhưng vẫn lỗ hơn 3.200 tỷ đồng năm 2020
Doanh thu của VCM (đơn vị chủ quản VinCommerce) tăng trưởng hơn 14%, đạt gần 31.000 tỷ đồng. Doanh thu thuần từ hệ thống VinMart+ tăng 42% dù số cửa hàng giảm gần 700 nhờ doanh thu điều chỉnh trên từng m2 tăng 10,7%. Doanh thu chuỗi siêu thị VinMart giảm 6,7% so ảnh hưởng lượng khách đến với các trung tâm thương mại do đại dịch.
Năm ngoái, VinCommerce đã hoàn tất giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi. EBITDA trong quý 4/2020 ghi nhận dương 16 tỷ đồng.
Năm nay, mục tiêu của VinCommerce là có lợi nhuận. Kế hoạch của Masan sẽ tăng số cửa hàng lên lại mức 3.000, đồng thời có khoảng 300 - 500 cửa hàng mở mới có lãi.
Trong ngắn hạn, VinCommerce dự kiến phát triển thành một nền tảng off-to-one, chuyển từ cửa hàng nhu yếu phẩm sang tích hợp dịch vụ tài chính, qua đó tiếp cận được 50% ngân sách tiêu dùng. Trong trung hạn, hệ thống cung cấp thêm các giá trị gia tăng nâng khả năng tiếp cận ngân sách cho tiêu dùng từ 50% lên 80%.
Theo Tổng giám đốc Danny Le, Masan Group cũng có phương án nhằm cải thiện hiệu quả của hệ thống logistics đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến nhà phân phối.
Cuối năm 2019, thương vụ Vingroup chuyển nhượng Vincommerce - công ty quản lý toàn bộ hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã khiến dư luận xôn xao.
Theo công bố, Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần The CrownX sau sáp nhập. Vingroup là cổ đông, Masan nắm quyền kiểm soát The CrownX.
Sau khi về tay chủ mới, một loạt cửa hàng tiện lợi VinMart+ lần lượt bị khai tử. Cụ thể, đã có hơn 740 cửa hàng VinMart+ mà Masan quyết định đóng cửa trong năm 2020. Không chỉ cửa hàng tiện lợi, Masan cũng mạnh tay khai tử 12 siêu thị VinMart. Sau 1 năm quản lý, tính đến cuối năm 2020, hệ thống bán lẻ này còn 123 siêu thị VinMart và 2.231 cửa hàng VinMart+.
Thời điểm cuối năm 2020, sau 1 năm về tay chủ mới, doanh thu thuần của Vincommerce đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 27.130 tỷ đồng vào năm 2019 lên 30.978 tỷ đồng vào năm 2020. Trong đó, doanh thu thuần từ hệ thống VinMart+ tăng 42% bất chấp việc đóng cửa hàng loạt.
Ngược lại, doanh thu chuỗi siêu thị VinMart lại giảm gần 7% vì Covid-19 khiến các siêu thị trong trung tâm thương mại Vincom vắng khách.
Tại báo cáo thường niên gửi cổ đông thời điểm đầu tháng 4/2021, ông Nguyễn Đăng Quang tiết lộ thương vụ mua lại Vincommerce đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. "Nhìn lại, phản ứng dây chuyền này là có thể hiểu được - Masan đã tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ Vincommerce, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ", Chủ tịch Masan thẳng thắn.
Tuy nhiên, theo ông Quang, kết quả kinh doanh bước đầu của Vincommerce đã rất khả quan đúng kỳ vọng của lãnh đạo tập đoàn.
Cũng tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, Tổng giám đốc Công ty CP The CrownX - ông Trương Công Thắng, cho biết chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ sẽ được đổi tên thành WinMart trong năm nay. Theo lãnh đạo Masan, hợp đồng chuyển giao với Vingroup có quy định điều khoản phải đổi tên trong năm nay.
Vinahankook - đơn vị cung cấp 150 triệu chiếc bơm kim tiêm cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của cả nước có doanh thu...
Nguồn: [Link nguồn]