Hàng trăm tàu du lịch nằm đắp chiếu, nhiều chủ tàu phải vay vốn từ tín dụng đen
“Toàn bộ tàu du lịch phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19, chủ tàu cạn kiệt mọi nguồn lực tài chính, hơn 3.000 người lao động mất việc làm. Vì vậy, để có thể tồn tại, nhiều người phải tìm đến tín dụng đen”.
Đó là chia sẻ của ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội Trưởng Chi hội Du lịch Hạ Long về những khó khăn chồng chất mà hơn 500 tàu du lịch tại Hạ Long đã và đang đối mặt suốt gần 2 năm qua.
Theo ông Lượng, mỗi con tàu nghỉ đêm hạng sang có giá đầu tư trên dưới 100 tỷ đồng, tàu rẻ nhất cũng có giá từ 20-30 tỷ đồng.
Hàng trăm tàu du lịch Hạ Long nằm "đắp chiếu" do ảnh hưởng của Covid-19.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, từ chỗ đa phần phục vụ người nước ngoài, các chủ tàu phải chấp nhận hạ giá vé, bù lỗ để hoạt động cầm chừng, phục vụ khách lẻ và nội địa nhưng cũng chỉ được vài chuyến rồi nằm “đắp chiếu” cả năm.
Ông Lượng cho hay, chi hội tàu du lịch Hạ Long có 240 hội viên, với 505 tàu và khoảng 4000 lao động nhưng gần 2 năm đại dịch, toàn bộ tàu phải dừng hoạt động trong thời gian dài, 3.000 người lao động mất việc làm. Số ít còn lại là trông giữ, bảo dưỡng máy, vận hành tàu.
Để có chi phí trả cho người lao động, nhiều chủ tàu phải tìm đến vay vốn từ tín dụng đen.
Tàu nằm một chỗ quá lâu bị hà biển bám vào gây hư hỏng nặng. (Ảnh: Nguyễn Hùng).
“Bản thân tôi có 8 chiếc tàu du lịch, không có khách nhưng hàng tháng vẫn phải chi 200 triệu để trông giữ, bảo dưỡng, vận hành máy móc. Từ tháng 3/2020 đến nay mất hơn 4 tỷ đồng. Để có chi phí, tôi phải bán bớt tàu để trả nợ và có tiền duy trì các tàu còn lại”, ông Lượng nói.
May mắn là có tài sản để bán đi trả nợ và duy trì nhưng theo ông Lượng, có nhiều chủ tàu khác không còn tài sản gì để có thể bán đi, phải tìm đến tín dụng đen, vay lãi ngày để trả lãi ngân hàng và cầm cự.
Mặc dù từ cuối tháng 9 đến nay, tàu du lịch Vịnh Hạ Long đã được hoạt động trở lại nhưng vẫn không có khách du lịch bởi vì tâm lý khách vẫn còn rất e ngại khi đi du lịch thời điểm này.
Mặt khác, các chủ tàu cũng không có vốn để đầu tư bởi tàu hoạt động được phải tu sửa tàu, không đủ lực lượng lao động do phần lớn lực lượng này đã chuyển nghề. Khó khăn chồng chất.
Hàng loạt con tàu trị giá hàng chục tỷ thậm chí cả trăm tỷ nằm chờ khách.
Theo số liệu thống kê mới nhất, đã có gần 14.000 hướng dẫn viên được nhận hỗ trợ với tổng mức hỗ trợ là hơn 51 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các chính sách như giảm giá điện cho cở sở lưu trú, giảm 50% phí giấy cấp phép, giảm 80% tiền ký quỹ đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp lữ hành.
Tuy nhiên, ông Lượng cho rằng, doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các gói hỗ trợ, nếu có cũng rất nhỏ nhoi, không giúp họ vượt lên được khó khăn, vực dậy và tiếp tục hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Chỉ trong vòng 10 tháng qua, đã có hơn 700 nghìn người rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần do ảnh hưởng của Covid-19.
Nguồn: [Link nguồn]