Hãng ô tô VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng kinh doanh ra sao?
Hơn một tháng sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq, Mỹ, VinFast Auto Ltd. (VFS), công ty thành viên của Vingroup, đã công bố kết quả báo cáo tài chính tự lập quý 2/2023 với những kết quả khả quan.
Ngày 15/8 vừa qua, hãng xe điện VinFast (VinFast Auto Ltd.) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaqcủa Mỹ với mã cổ phiếu VFS. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, VFS đóng cửa với mức giá 37,06 USD/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 85 tỷ USD - cao hơn mức định giá của nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ là Ford (F.N).
Hơn một tháng sau khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, ngày 21/9, VFS đã công bố báo cáo tài chính tự lập của quý 2/2023. Theo đó, tính riêng trong quý 2, VinFast đã bàn giao tổng cộng 9.535 xe ô tô điện (bao gồm các mẫu VF e34, VF 5, VF 8, VF 9 và xe buýt điện), tăng khoảng 436% so với quý 1 năm 2023 và 10.182 xe máy điện, tăng 4% so với quý 1 năm 2023. So với cùng kỳ năm 2022, số xe ô tô điện bàn giao tăng 433%, trong khi số xe máy điện đã bàn giao giảm 33,4%.
Hãng xe điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh trong quý 2/2023
Doanh thu bán xe quý 2 đạt 7.487 tỷ đồng (314,6 triệu USD), tăng 147,0% so với quý 2 năm 2022 và tăng 387,3% so với quý 1 năm 2023. Tổng doanh thu quý 2 đạt 7.952 tỷ đồng (334,1 triệu USD), tăng 131,2% so với quý 2 năm 2022 và tăng 303,3% so với quý 1 năm 2023. Tổng doanh thu chủ yếu bao gồm doanh thu từ bán xe điện.
Hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng cho biết lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh là 2.714 tỷ đồng (114,1 triệu USD), tăng 7,5% so với quý 2 năm 2022 và giảm 28,7% so với quý 1 năm 2023. Nhờ đó, biên lãi gộp cải thiện lên mức âm 34,1% trong quý 2 năm 2023, so với mức âm 73,4% trong quý 2 năm 2022 và âm 193,2% trong quý 1 năm 2023.
Lỗ từ hoạt động kinh doanh được cải thiện lên 9.230 tỷ đồng (387,8 triệu USD) trong quý 2 năm 2023, giảm 20,0% so với quý 2 năm 2022 và giảm 17,2% so với quý 1 năm 2023. Mức lỗ giảm chủ yếu nhờ doanh thu tăng mạnh và biên lợi nhuận cải thiện so với các quý trước. Kết quả, lỗ ròng của VinFast cải thiện chỉ còn lỗ 12.535 tỷ đồng (526,7 triệu USD), giảm 8,2% so với số lỗ 13.651 tỷ đồng quý 2 năm 2022 và giảm 11,2% so với số lỗ 14.120 tỷ đồng của quý 1 năm 2023.
Tính đến 30/6, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp là 1.600 tỷ đồng (67,3 triệu USD). Tổng tài sản của hãng xe ở mức 116.828 tỷ đồng (4,9 tỷ USD). VinFast cho biết hãng này có 122 showroom cho ô tô điện trên toàn cầu và 245 showroom và xưởng dịch vụ cho xe máy điện.
Cùng với việc công bố kết quả kinh doanh trong quý 2/2023, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tiết lộ về kế hoạch xuất xưởng những chiếc xe điện đầu tiên sang châu Âu trong năm nay sau khi nhận được sự chấp thuận theo quy định.
Cụ thể nguồn tin của Reuters cho biết khoảng 3.000 chiếc VF8 sẽ được giao đến Pháp, Đức và Hà Lan trong quý 4 năm nay từ nhà máy của VinFast ở Hải Phòng.
Nếu việc chuyển giao được hoàn tất, châu Âu có thể trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của VinFast trong năm nay. Trước đó, trong đầu năm 2023 hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã vận chuyển khoảng 2.100 xe điện đến Mỹ và đang có kế hoạch vận chuyển thêm các mẫu VF9, theo hồ sơ đầu tiên gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) sau khi niêm yết.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành VinFast cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ giao những mẫu xe VF8 đầu tiên cho khách hàng Pháp, Đức và Hà Lan vào quý 4 năm nay”. Cùng với đó, các mẫu xe khác VinFast là VF6, VF7 và VF9 sẽ được tung ra thị trường châu Âu vào năm tới.
Bà Thủy cho biết, mẫu SUV VF8 đã được cơ quan quản lý châu Âu phê duyệt là tuân thủ các tiêu chuẩn của EU và có thể được bán trong khối 27 quốc gia. Giám đốc điều hành VinFast không cho biết số lượng xe VF8 sẽ được bàn giao nhưng nguồn tin của Reuters nắm rõ sự việc cho biết sẽ có khoảng 3.000 xe, trong đó có một số xe dành cho thị trường Israel.
Việc VinFast mở rộng hoạt động sang châu Âu là một phần trong kế hoạch toàn cầu bao gồm xây dựng các nhà máy mới ở Hoa Kỳ và Indonesia, đồng thời nhắm tới những thị trường khác như Ấn Độ, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của đại gia người Quảng Ngãi này cũng ghi nhận tăng thêm gần 340 tỷ đồng trong một ngày.