Hãng mì gói gắn liền với tuổi thơ mỗi người làm ăn ra sao?
Dù đạt doanh thu 614 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 22 tỷ trong năm 2020 nhưng thương hiệu mì ăn liền nổi tiếng một thời đang dần trở nên “lép vế”.
CTCP Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket (mã CMN – Upcom), đơn vị sở hữu thương hiệu mì Miliket bất ngờ công bố giảm doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020.
Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, Miliket ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 614,4 tỷ đồng, giảm gần 2% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 22,13 tỷ đồng, giảm 10,7% so với năm 2019. EPS đạt 4.611 đồng.
Thương hiệu mì Miliket có lịch sử hoạt động hơn 45 năm, từng được xem như vua mì tôm
Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu của Miliket, doanh thu từ thị trường trong nước giảm nhưng doanh thu từ nước ngoài lại tăng 23%, lên 49 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ thị trường nước ngoài cũng tăng vọt khi lên tới 13,2 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước.
Điều này cho thấy khi thị trường trong nước không cạnh tranh nổi với các ông lớn như Masan, Acecook, Colusa - Miliket chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Công ty có tổng tài sản 250,8 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2020, trong số đó các khoản tiền và tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng cuối kỳ của công ty lên tới hơn 177 tỷ đồng (chiếm 71% tổng tài sản). Công ty không vay nợ. Do dư dả về tiền nên các năm gần đây, Colusa – Miliket trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông tỷ lệ 33%/năm.
Vốn điều lệ công ty chỉ 48 tỷ đồng. Trong đó Tổng công ty Lương thực miền Nam chiếm 30,72%, Tổng công ty Thuốc lá chiếm 20%, Công ty Dịch vụ và thương mại Mesa chiếm 20,08%, còn lại là các cổ đông khác.
Có lịch sử hoạt động hơn 45 năm, Công ty Colusa - Miliket sở hữu thương hiệu mì gói Miliket với hình ảnh đặc trưng hai con tôm trên bao bì bằng giấy. Những năm 90 trở về trước, thương hiệu Miliket được xem như vua mì tôm.
Tuy nhiên, những năm 2000, khi các thương hiệu mì ăn liền trong và ngoài nước với tiềm lực tài chính lớn gia nhập thị trường, thế độc tôn trên thị trường của Miliket dần biến mất.
Những đại gia như Vina Acecook (mì Hảo Hảo), Masan (mì Omachi), Asia Foods (mì Gấu Đỏ) nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần mì ăn liền với ưu thế về kênh phân phối, chiến lược quảng cáo, bao bì bắt mắt, danh mục sản phẩm đa dạng.
Trong khi doanh thu của Miliket khoảng hơn 600 tỷ/năm thì doanh thu mảng mì của Masan Consumer năm 2020 là đạt 6.882 tỷ đồng, tăng trưởng 38,5% so với năm 2019.
Từ người dẫn đầu, đến nay thị phần của Miliket chỉ chiếm phần nhỏ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam. Năm 2019, mì Miliket không góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu thực phẩm đóng gói được ưa chuộng nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ tháng tư sẽ bị xử phạt hàng chục triệu đồng nếu mắc các lỗi sau: Chủ nhà sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng nếu...