Giới siêu giàu Việt và những tham vọng chưa từng có
Nhờ tiềm lực tài chính hùng mạnh, giới siêu giàu Việt Nam không ngại lấn sân sang những lĩnh vực mới. Với những “tham vọng chưa từng có” giới siêu giàu Việt liên tục ghi dấu ấn của mình trên bản đồ doanh nhân thế giới.
"Bước nhảy vọt phi thường" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Trong bài viết mới đây, tờ Financial Times cho biết Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang lên kế hoạch thâm nhập vào Mỹ - một trong những thị trường ô tô cạnh tranh nhất thế giới. Không chỉ ô tô, VinFast còn muốn bán cả những loại xe cao cấp, bao gồm cả ô tô điện.
Tờ Financial Times đánh giá tỷ phú Phạm Nhật Vượng có bước nhảy vọt phi thường về niềm tin trong kế hoạch bán ô tô tại Mỹ và châu Âu
Cụ thể hóa tham vọng đó, mới đây, VinFast cũng đã nhận được giấy phép thử nghiệm xe điện với tính năng tự lái trên đường phố ở California cùng với Tesla.
Trước đó, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng còn từng cho biết kế hoạch xây dựng một văn phòng nghiên cứu, thậm chí là cả một nhà máy ở Mỹ. Mục tiêu cuối cùng của tập đoàn này là chinh phục người tiêu dùng tại thị trường ô tô lớn thứ hai thế giới.
VinFast cũng đang xem xét niêm yết tại Mỹ hoặc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt. Hãng xe này cho biết đang làm việc với các cố vấn, gồm JPMorgan và Deutsche Bank, về kế hoạch trên.
Vào tháng 4, tờ Reuters trích dẫn 2 nguồn tin thân cận nói rằng mục tiêu đó có thể định giá VinFast ở mức 60 tỷ USD – lớn hơn cả vốn hóa thị trường hiện tại của Ford Motor. Trong khi đó, VinFast chỉ bắt đầu sản xuất xe vào năm 2019 và mới chỉ bán được 30.000 xe vào năm ngoái. Phía doanh nghiệp này cũng chia sẻ với Bloomberg rằng họ có thể huy động nhiều nhất 3 tỷ USD tại Mỹ nếu IPO thành công VinFast.
Theo nhận định của Financial Times, đây là một bước nhảy vọt phi thường về niềm tin cũng như sự tự tin của ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập ra Vingroup và cũng là người giàu nhất Việt Nam.
"Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng hàng không
Trong khi ngành hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Công ty cổ phần IPP Air Cargo của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa.
"Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn lên kế hoạch mở hãng bay vận tải riêng
IPP Air Cargo là một doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), vừa được lập tháng 3 năm nay, trụ sở tại quận 1, TP. HCM. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hoá hàng không.
Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Hiện tại, Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hoá. Trong khi đó, hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không đang được thực hiện bởi các hãng hàng không vận tải hàng hóa nước ngoài.
Tham vọng hoàn thiện nền tảng Point of Life của ông chủ Masan
Khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch bán xe ô tô tại Mỹ và châu Âu; “Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng hàng không vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam thì một tỷ phú khác là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group đang tập trung hoàn thiện nền tảng Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Masan Group đang dần hoàn thiện mô hình kinh doanh đa lĩnh vực
Để thực hiện kế hoạch của mình, Masan Group mới đây đã thông qua công ty con mua lại 20% cổ phần Phúc Long Heritage với mức giá 15 triệu USD. Song song với đó, hai bên thỏa thuận chiến lược phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng tiện ích VinMart+ trên toàn quốc.
Trước đó, Masan cũng gây bất ngờ khi nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia khởi xướng, đã rót 400 triệu USD vào The CrownX, công ty quản lý phần vốn góp của Tập đoàn Masan Group tại Công ty Masan Consumer Holdings (MCH, sở hữu 85,71%), Công ty dịch vụ thương mại VinCommerce (VCM, sở hữu 92,8%).
Hồi đầu tháng 4/2021, Tập đoàn Masan cũng đã xác nhận SK Group (Hàn Quốc) đã mua 16,26% cổ phần của VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Với giao dịch này, VinCommerce được định giá 2,5 tỉ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.
Có thể thấy, sau khi mua lại VinCommerce và chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+, Masan đang thể hiện quyết tâm lớn trong thị trường tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam, thậm chí là mục tiêu dẫn đầu trong thị trường tỉ USD này.
Như mục tiêu đã vạch ra tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, chuỗi F&B là một mảnh ghép trong nền tảng tiêu dùng bán lẻ Point of Life của Masan. Mục tiêu đến năm 2025, doanh thu của chuỗi F&B đóng góp 500 triệu USD. Mở rộng tập khách hàng đa dạng hơn, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ, vì thế cũng là một định hướng quan trọng trong chiến lược mới của Masan.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng sở hữu khối tài sản lên tới cả nghìn tỷ đồng, nhưng những nữ đại gia này lại có số phận trái ngược khi người...