Giá xăng lập đỉnh 7 năm, đại gia lọc hóa dầu lãi gấp gần 5 lần kế hoạch cả năm
Đà tăng mạnh của giá xăng dầu trong nước đã giúp đại gia lọc hóa dầu này lãi gần gấp 5 lần kế hoạch của cả năm 2021 chỉ sau 9 tháng.
Chiều ngày 26/10, Liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu trong nước.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng mỗi lít; xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít, dầu mazut tăng 120 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít dầu mazut là 17.210 đồng/kg.
Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ 4 kể từ đầu tháng 9, trong đó các loại xăng tăng khoảng 3.200 đồng/lít. Như vậy, với mức tăng cao nhất từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu Việt Nam hiện đứng ở mức cao nhất trong 7 năm qua.
Giá xăng trong nước vừa được điều chỉnh tăng lên mức cao ngất trong 7 năm qua
Việc giá xăng, dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây và lập đỉnh cao nhất trong 7 năm qua đã giúp đại gia lọc hóa dầu này đạt kết quả kinh doanh ấn tượng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 17.679 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với con số 9.097 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp đạt 644 tỷ đồng, gấp tới 2,3 lần so với con số 281 tỷ đồng thực hiện trong quý 3/2020.
Trong kỳ, BSR có 291 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 118% so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra các chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đều tăng.
Kết quả, BSR ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 471 tỷ đồng, tăng 172% so với cùng kỳ năm 2020
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BSR đạt 66.588 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 63% so với cùng kỳ, trong đó chiếm tới 23.155 tỷ đồng là doanh thu từ DO 0,05% S và hơn 21.282 tỷ đồng là từ Mogas 95.
Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của BSR đạt 3.998 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tới 4.095 tỷ đồng.
Trong năm 2021, BSR đặt mục tiêu sản lượng khoảng 6,5 triệu tấn; doanh thu 70.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng với giả định giá dầu bình quân chỉ 45 USD/thùng.
Tuy nhiên, việc giá dầu WTI tăng mạnh từ hơn 40 USD/thùng lên trên mốc 70 USD/thùng đã thúc đẩy chỉ số kinh doanh BSR tăng mạnh. Như vậy, so với kế hoạch năm 2021 đã được ĐHĐCĐ thông qua, BSR đã đạt 94% về doanh thu và đạt 463% lợi nhuận cả năm 2021.
BSR đã hoàn thành 463% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021 chỉ sau 9 tháng
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của BSR đạt gần 62.553 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận xấp xỉ 12.449 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng tăng mạnh gấp 2 lần đầu năm lên mức 17.522 tỷ đồng, so với quý 2/2021 cũng đã tăng tới 56%.
Tính đến cuối quý 3, BSR ghi nhận hơn 4.045 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối trong khi hồi đầu năm chỉ có gần 28 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 3 cũng cho biết BSR hiện có hơn 27.495 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó, nợ ngắn hạn là 24.719 tỷ đồng, bao gồm hơn 10.585 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Doanh nghiệp có hơn 2.777 tỷ đồng nợ dài hạn, trong đó bao gồm hơn 1.415 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Trong đó, ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương là chủ nợ cho vay ngắn hạn lớn nhất của BSR với dư nợ đến ngày 30/9 là gần 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng đầu tư và Phát triển cũng cho doanh nghiệp vay vay gần 2.688 tỷ đồng. Ngoài ra HSBC cho BSR vay 920 tỷ đồng và Ngân hàng Xuất nhập khẩu cho đại gia lọc hóa dầu này vay 510 tỷ đồng.
Toàn bộ hơn 1.415 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn của BSR đều được ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho vay.
Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kết quả kinh doanh của những ông lớn ngành nước giải khát...
Nguồn: [Link nguồn]