Giá vàng chót vót, 'đại gia' đào vàng Việt thu 0 đồng, thay cả dàn lãnh đạo
Giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao chót vót, nhưng một công ty khai thác vàng tại Việt Nam gặp khó triền miên. Doanh thu nhiều năm ở mức 0 đồng, lãnh đạo thay cả loạt.
Thay cả dàn lãnh đạo trong một ngày
CTCP Vàng Lào Cai (GLC) vừa công bố đơn từ nhiệm của một loạt lãnh đạo cao cấp, từ chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) đến thành viên và người đại diện pháp luật, đồng thời bổ nhiệm lãnh đạo mới.
Đầu tháng 12, ông Nguyễn Tiến Đức - Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng Lào Cai - xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Ông Nguyễn Tiến Hải - thành viên HĐQT - xin từ nhiệm vì lý do thay đổi nơi sinh sống. Bà Hoàng Thị Quế từ nhiệm chức thành viên HĐQT kiêm giám đốc cùng người đại diện pháp luật của Vàng Lào Cai, với lý do “thay đổi nơi sinh sống và định hướng công việc”.
HĐQT CTCP Vàng Lào Cai hôm 2/12 đã bầu ông Trần Quang Đặng (SN 1955) giữ chức vụ thành viên HĐQT kiêm chủ tịch HĐQT. Bà Nguyễn Thị Huyền (SN 1981) được bổ nhiệm là thành viên HĐQT, người đại diện pháp luật mới của công ty. Bà Phạm Thị Thu Nguyệt cũng được bổ nhiệm là thành viên HĐQT.
Vàng Lào Cai thay cả dàn lãnh đạo.
Theo báo cáo thường niên năm 2023, ngoài là thành viên HĐQT và là người đại diện pháp luật mới của Công ty Vàng Lào Cai, bà Huyền còn làm trợ lý tổng giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình.
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Đức (SN 1992) cũng được biết đến là chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Khoáng sản 4. Ông Đức giữ vị trí chủ tịch GLC từ tháng 6/2022 tới 2/12/2024.
Việc thay đổi dàn nhân sự cấp cao của Vàng Lào Cai diễn ra trong bối cảnh 3 năm liên tiếp, từ 2020 đến 2023, GLC liên tục ghi nhận doanh thu 0 đồng.
Trong năm 2022 và 2023, GLC không phát sinh doanh thu, lỗ tương ứng hơn 9 tỷ đồng và 13,9 tỷ đồng. Riêng năm 2023, dù không có doanh thu nhưng giá vốn bán hàng là gần 9,9 tỷ đồng, chi phí tài chính hơn 1,7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 2,3 tỷ đồng.
Vàng Lào Cai là công ty khai thác vàng duy nhất trên sàn chứng khoán. Doanh nghiệp này khai thác, tuyển và luyện vàng gốc mỏ Minh Lương (huyện Văn Bàn, Lào Cai). GLC được phép khai thác tinh quặng vàng, toàn bộ lượng khai thác được bán cho Tổng công ty Khoáng sản TKV để sản xuất vàng tiêu thụ.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, GLC không có doanh thu.
Theo lý giải của doanh nghiệp, sở dĩ doanh thu bằng 0 là do giấy phép khai thác vàng hết hạn từ tháng 4/2019 nên công ty đã tạm dừng khai thác.
Tới cuối năm 2023, GLC vẫn trong quá trình xin giấy phép khai thác mỏ nhưng chưa được chấp thuận. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 22 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 113 tỷ đồng. Theo Công ty Kiểm toán Asco, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
GLC khai thác vàng tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Ảnh minh họa: Adobe
Xuất hiện nhân tố mới?
Cơ cấu sở hữu tại Vàng Lào Cai liên tục thay đổi trong quá khứ và có thể tiếp tục biến động trong năm 2024 sau ĐHCĐ bất thường hồi tháng 10.
GLC được thành lập tháng 9/2007 tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng. Công ty có 5 cổ đông: Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin (nay là Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP) với 33%, Công ty TNHH Nhà nước MTV Khoáng sản 3 (nay là CTCP Khoáng sản 3 Vimico) 27%, Công ty Khoáng sản Lào Cai (15%); Công ty TNHH Thái Nguyên (15%) và Công ty Đông Bắc (10%).
Cuối năm 2018, TKV nắm 46,14%, CTCP Khoáng sản 3 - Vimico 21,71%; ông Uông Huy Giang 8,65%; Công ty TNHH MTV Khoáng sản - Bitexco 6,43% và CTCP Khoáng sản Đông Dương 6,33%.
Tới tháng 1/2019, sau khi GLC lên sàn, TKV thoái toàn bộ vốn.
Khi đó, hầu hết nhân sự cũ của công ty đồng loạt nghỉ việc nên nhà đầu tư mới phải tổ chức lại bộ máy. Thời gian qua, GLC tập trung nguồn lực để tiếp tục hoàn thành thủ tục pháp lý cho việc xin gia hạn giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác. Điều này khiến chi phí hoạt động liên tục tăng, trong khi nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh gần như bằng 0.
Cơ cấu cổ đông GLC tính tới cuối năm 2023.
Cuối năm 2023, GLC có vốn điều lệ 105 tỷ đồng. Trong đó, ông Cao Trường Sơn nắm 23,29%, ông Đỗ Tuấn Thịnh nắm 22,86%, ông Phạm Anh Tuấn nắm 20,09% và Uông Huy Giang nắm 22,91%.
Do khó khăn, GLC ghi nhận lỗ lũy kế tăng, tài sản sụt giảm, âm vốn chủ sở hữu.
ĐHCĐ bất thường hồi tháng 10 đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định kế hoạch huy động vốn. Theo đó, HĐQT được phê duyệt các giao dịch huy động vốn, lựa chọn bên cho vay, mức lãi suất, thời hạn vay và phân bổ nguồn vốn huy động với các giao dịch huy động vốn có giá trị trên 35% tổng tài sản của GLC và các giao dịch huy động vốn có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản giữa GLC và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.
Giải thích tại tờ trình, GLC cho hay công ty khó tiếp cận với các nguồn vốn vay. Để đáp ứng nhu cầu về vốn, HĐQT đề xuất ĐHCĐ thông qua việc chấp thuận giao dịch cho vay hoặc bảo lãnh bằng tài sản của các thành viên HĐQT, ban giám đốc đối với công ty.
ĐHCĐ bất thường hồi tháng 10 cũng phê duyệt các hạn mức giao dịch giữa GLC và người có liên quan (gồm ông Nguyễn Tiến Đức với giá trị giao dịch tối đa 80 tỷ đồng và CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình tối đa 30 tỷ đồng). Đó có thể là hợp đồng mua bán, hợp đồng bảo lãnh vay vốn; hợp đồng vay/cho vay; hợp đồng thuê/cho thuê tài sản; các hợp đồng dịch vụ và giao dịch khác theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của GLC, trữ lượng địa chất 92.670 tấn quặng, trữ lượng khai thác 89.702 tấn quặng vàng, công suất được phép khai thác: Năm 2016: 22.000 tấn; năm 2017-2018: 28.000 tấn; năm 2019: 11.702 tấn. Thời hạn giấy phép khai thác tính tới 26/4/2019. GLC nằm trên địa bàn được đánh giá có tiềm năng rất lớn về tài nguyên vàng gốc khu vực Tây Bắc Việt Nam. Theo định hướng phát triển, GLC nhiều khả năng sẽ được mở rộng quyền khai thác mỏ theo 2 hướng là: sâu thêm 100m so với hiện hành và mở rộng phạm vi khai thác thêm hơn 120ha. Rủi ro của GLC là tình hình địa chất có sự biến động khá mạnh. Các thân quặng tại mỏ Minh Lương đều mỏng, trữ lượng không lớn và nằm phân tán ở 4 khu vực đồi cách xa nhau từ 1-5km. Phần tài nguyên nằm trong giới hạn chiều sâu được cấp phép (cos +505 trở lên) đã gần hết. Việc khai thông mở vỉa thân quặng mới khó khăn và chậm nên sản lượng khai thác chưa đạt công suất thiết kế, mới đạt khoảng 40%. Các nhà đầu tư mới gặp khó khăn từ việc truy quét vàng tặc, đồng thời phải dừng toàn bộ việc khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ vàng Minh Lương do hầu hết giấy tờ pháp lý phải làm thủ tục xin gia hạn. |
Trung bình mỗi ngày, "đại gia" vàng bỏ túi hơn 5,3 tỉ đồng trong bối cảnh giá vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 99,99 duy trì ở mốc cao.
Nguồn: [Link nguồn]